Đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn

30/06/2021 09:52 PM


Ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; thay thế Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 28/4/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 04/6/2021.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã kịp thời triển khai, lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và đảm bảo quyền lợi về chính sách BHYT cho người dân thuộc các thôn, xã đặc biệt khó khăn, các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tính đến ngày 06/6/2021, Bình Thuận có 46.780 thẻ BHYT cấp cho người dân còn hạn sử dụng thuộc 20 thôn, bản là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II và 09 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III, 27 xã khó khăn thuộc khu vực II theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 27/4/2017 của Thủ tưởng Chính phủ. 

Khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg sẽ tác động đối với công tác cấp thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (vùng II, vùng III) và người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (vùng III). Cụ thể, so với Quyết định số 582/QĐ-TTg toàn tỉnh chỉ còn 03 xã thuộc khu vực III (giảm 06 xã), 03 xã thuộc khu vực II (giảm 24 xã), 25 xã thuộc khu vực I (giảm 19 xã); tương ứng chỉ còn 10.904 người của 03 xã thuộc khu vực III, 03 xã thuộc khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ngân sách Nhà nước đóng BHYT, còn lại 35.876 người không được ngân sách Nhà nước đóng BHYT theo Quyết định 582/QĐ-TTg. 

Việc các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 không còn nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sẽ tác động đến quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ nhiều năm nay được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Trong khi đó, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Bình Thuận hiện còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Đồng thời, việc 35.876 người vùng dân tộc thiểu số và miền núi không được ngân sách Nhà nước đóng BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT của Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2021 Bình Thuận phải đạt tỷ lệ bao phủ 91% dân số); tính đến ngày 31/5/2021 số người dân Bình Thuận tham gia BHYT là 1.018.001 người, tỷ lệ bao phủ mới đạt 89,7% dân số. 

Tại cuộc họp liên ngành ngày 15/6/2021: Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để thống nhất một số nhiệm vụ, nhất là hoàn thành xong việc rà soát, cấp, gia hạn thẻ BHYT cho người thuộc diện được ngân sách Nhà nước đóng BHYT trước ngày 01/7/2021; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là đối tượng chịu tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Đồng thời, liên ngành có báo cáo, tham mưu UBND tỉnh văn bản đề nghị Ủy ban Dân tộc tổng hợp tình hình thực tế của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi danh sách giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được thực hiện cấp, gia hạn thẻ BHYT đến hết ngày 31/12/2021. 

Ngày 23/6/2021, BHXH tỉnh đã có văn bản chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã rà soát số thẻ BHYT đã cấp cho dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (vùng II, vùng III) và người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (vùng III) giảm giá trị thẻ kể từ ngày 01/7/2021; thông báo cho UBND các xã, thị trấn có người dân bị tác động để thông tin, tuyên truyền đến người dân biết việc dừng chính sách, quyền lợi BHYT bị ảnh hưởng; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không còn được ngân sách Nhà nước đóng BHYT tham gia BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh./.

Lê Chí