Nhiều đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH

10/10/2022 02:28 PM


Tốc độ phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn có dấu hiệu chậm lại, nhiều địa phương chưa khai thác hiệu quả việc mở rộng độ bao phủ đến các nhóm đối tượng tiềm năng

Tốc độ phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn có dấu hiệu chậm lại, nhiều địa phương chưa khai thác hiệu quả việc mở rộng độ bao phủ đến các nhóm đối tượng tiềm năng

Mới đây, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành quý IV/2022.

Gần 35% lực lượng lao động có BHXH

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 9-2022 đã có trên 17,24 triệu người tham gia BHXH (đạt 34,84% lực lượng lao động), trong đó BHXH bắt buộc trên 15,73 triệu người, BHXH tự nguyện trên 1,51 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp trên 14,02 triệu người, BHYT trên 87,5 triệu người - đạt tỉ lệ bao phủ 88,42% dân số… Đại diện BHXH Việt Nam cho biết để hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2022, trong quý IV, toàn ngành cần thu hút thêm hơn 1,93 triệu người tham gia BHXH (trong đó gồm 1,17 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 765.652 người tham gia BHXH tự nguyện, trên 4,25 triệu người tham gia BHYT). Cũng theo Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ, mặc dù số thu đạt kết quả khả quan với 308.053 tỉ đồng (72,69% kế hoạch), song số tiền chậm đóng hiện lên tới 21.432 tỉ đồng, bằng 5% so với số phải thu...

Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ BHXH Việt Nam, cho biết trong tháng 8-2022, BHXH Việt Nam đã thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo ngành chủ trì để trực tiếp nắm bắt tình hình và đôn đốc thu, phát triển đối tượng tại các tỉnh, thành (chia theo 8 cụm). Sau 1 tháng triển khai thực hiện, kết luận của các đoàn công tác cho thấy những tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, ngày 20-9, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành tăng cường chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT...

Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các địa phương tăng tốc để về đích. Ảnh: Ngọc Thảo

Tại hội nghị, đại diện BHXH một số địa phương thừa nhận số người tham gia BHXH, BHYT trong tháng 9 không đạt như kỳ vọng, bởi "dư chấn" của dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhiều người lao động (NLĐ) phải nghỉ việc; một số nhóm dân cư không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg... Tuy vậy, lãnh đạo BHXH các địa phương cam kết sẽ nỗ lực "chạy nước rút" trong 3 tháng cuối năm, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Theo đại diện BHXH TP HCM và BHXH TP Hà Nội, hiện cơ quan BHXH đang tích cực vận động các tổ chức kinh tế, chính quyền địa phương hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho thân nhân NLĐ và một số nhóm dân cư đặc thù… Trong khi đó, tại An Giang, BHXH tỉnh phối hợp ngành giáo dục và đào tạo chuyển đổi hình thức tham gia BHYT của nhóm học sinh - sinh viên theo năm học sang năm tài chính; mở rộng mô hình nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. BHXH tỉnh Thái Bình nâng cao hiệu quả tuyên truyền qua các tổ chức dịch vụ thu, cộng tác viên…

Quyết tâm "về đích"

Đánh giá công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: "Chúng ta có thể vượt số thu theo kế hoạch năm 2022 nhưng tỉ lệ nợ đang ở mức khá cao, cần có các giải pháp quyết liệt để bảo đảm hạ xuống mức 2,5%-3% số phải thu như kế hoạch đặt ra trong năm. Để mở rộng số người tham gia, BHXH các địa phương phải rà soát, phát huy tối đa tiềm năng ở các nhóm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh - sinh viên, hộ cận nghèo và nghèo đa chiều vừa ra khỏi diện hỗ trợ BHYT theo Quyết định 861/QĐ-TTg…". Ông Liệu cũng đề nghị cần phát động phong trào thi đua tăng thu, mở rộng người tham gia BHXH, BHYT để khuyến khích các địa phương hoàn thành nhiệm vụ. Cùng đề xuất này, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cảnh báo nếu BHXH các địa phương không có những giải pháp kịp thời, mục tiêu của ngành sẽ khó hoàn thành khi tốc độ tăng số người tham gia trong tháng 9 vừa qua đã chậm lại...

Kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các tháng cuối năm là hoàn thành nhiệm vụ thu và phát triển người tham gia. Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, thách thức rất lớn nhưng ngành đã có tiền đề thuận lợi để quyết liệt "chạy nước rút" trong quý IV. Ông cũng lưu ý các địa phương cần rà soát lại 163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động để vận động tham gia BHXH, BHYT đầy đủ cho NLĐ; triển khai nghiêm túc các giải pháp mà BHXH Việt Nam đề ra; đồng thời phát động phong trào thi đua bám sát chỉ tiêu đề ra theo từng tháng./.

Khánh Anh