Bảo hiểm y tế luôn đồng hành với bệnh nhân
12/10/2022 02:03 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
VHDN: Mạng lưới Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường (CLBPNKC) vừa tổ chức sinh hoạt định kỳ tháng 8/2022 tại Hà Nội, với sự tham dự của gần 100 thành viên. Bên cạnh chủ đề sinh hoạt “Điều trị nội khoa cho ung thư vú gồm: Nội tiết, hóa chất, đích, miễn dịch- Phác đồ mới trong điều trị”, chị em còn có dịp tìm hiểu thêm về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT trong việc điều trị căn bệnh này. Với bệnh nhân và gia đình người bệnh, nhất là những người mắc bệnh trọng như ung thư, BHYT luôn là người bạn đồng hành với họ.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Mạng lưới CLB Phụ nữ kiên cường là tổ chức tự nguyện của các bệnh nhân ung thư vú, được thành lập tháng 2/2014, nhằm quy tụ các bệnh nhân ung thư vú để chia sẻ kinh nghiệm với nhau về cuộc sống và quá trình điều trị và sống chung với bệnh. Chủ nhiệm Mạng lưới là chị Hoàng Thu Hà và Phó Chủ nhiệm là chị Nguyễn Thị Ngọc- những người có kinh nghiệm hơn 10 năm chiến đấu với bệnh ung thư vú.
Mạng lưới CLB Phụ nữ kiên cường có các trang Facebook như: Đồng hành Bệnh nhân UTV (với hơn 13.000 thành viên); Chị em chia sẻ cùng nhau; Mạng lưới CLBPNKC; Thông tin sinh hoạt CLBPNKC. Những trang Facebook này giúp chị em liên hệ, trao đổi thông tin và gắn kết các thành viên trên cả nước. Mạng lưới còn có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các bệnh nhân thông qua các khối như: Khối sự kiện truyền thông, khối tư vấn xã hội, khối văn thể mỹ, khối trợ lý thư ký, khối dự án cộng đồng, khối tài chính hậu cần… Đặc biệt, khối tư vấn xã hội có nhiệm vụ giải đáp các vấn đề liên quan đến quyền lợi chế độ BHYT cho các bệnh nhân ung thư vú.
Từ năm 2020, Ban Giám đốc Bệnh viện K đã đồng ý hỗ trợ Mạng lưới về mặt chuyên môn, dưới hình thức cử các bác sĩ đến nói chuyện trong các buổi sinh hoạt định kỳ về nhiều chủ đề khác nhau liên quan ung thư vú và điều trị ung thư vú, để trang bị cho bệnh nhân kiến thức về căn bệnh này. TS-BS.Phùng Thị Huyền và BS.Nguyễn Văn Tùng là hai bác sĩ gắn bó với Mạng lưới từ những buổi sinh hoạt đầu tiên. Sự hỗ trợ về chuyên môn, sự tận tình chu đáo của các bác sĩ đã giúp các bệnh nhân có niềm tin vào y học trong việc điều trị ung thư vú. Từ đó, các bệnh nhân có thể hiểu bệnh, sống chung với bệnh một cách hòa bình, để tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội.
Nội dung chính của buổi sinh hoạt lần này gồm 3 phần: Phần 1- phổ biến về điều trị ung thư vú; phần 2 là chương trình “Hỏi gì cũng được”; phần 3- tổ chức sinh nhật cho các bệnh nhân. Ở nội dung thứ nhất, BS.Phùng Thị Huyền và BS.Nguyễn Văn Tùng giới thiệu về nội dung điều trị ung thư vú gồm: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nội tiết, liệu pháp trúng đích, miễn dịch. Các bác sĩ đã diễn đạt, chuyển tải ngôn ngữ chuyên môn của ngành y một cách dễ hiểu, dễ nhớ, giúp các bệnh nhân hiểu hơn về phương pháp điều trị căn bệnh mà mình đang mắc phải. Thậm chí, trên thế giới có phác đồ điều trị nào mới ra đời cũng được các bác sĩ Việt Nam cập nhật, chuyển tải tới chị em kịp thời.
Đáng chú ý, chi phí điều trị cho thuốc kháng CDK4/6 có thể lên đến 20-30 triệu đồng/tháng. Với mức chi phí điều trị cao, bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm coi cuộc sống là vàng, thì các bệnh nhân ở giai đoạn tái phát di căn thì cuộc sống với họ là kim cương. Hiện nay, các thuốc điều trị ung thư vú cơ bản được BHYT chi trả 100% theo quyền lợi trên thẻ BHYT, riêng đối với thuốc đích (trastuzumab) thì tỷ lệ là 60%. Nếu không có thẻ BHYT, thì hầu hết các bệnh nhân ung thư vú không thể theo được quá trình điều trị kéo dài. Bệnh nhân Hà Thị Mai xúc động, “tôi điều trị ung thư vú đã 3 năm, gia đình cũng đã chi khá nhiều tiền để chữa trị bệnh cho tôi. Ung thư vú là bệnh phải chữa trị dài, chi phí tốn kém, nếu không có BHYT, chắc tôi cũng chỉ biết nằm nhà chờ ngày về với tổ tiên thôi”
Trong phần “Hỏi gì cũng được”, các bệnh nhân có thể đưa ra bất cứ các thắc mắc gì về quá trình điều trị bệnh, cũng như hỏi về phác đồ mới trong điều trị ung thư vú. Có nhiều câu hỏi, mà theo các bác sĩ, ngay cả giới chuyên môn cũng khó đặt ra câu hỏi đó. Bởi, hơn ai hết, các bệnh nhân là người hiểu được bệnh của chính mình và có nhiều chị em là người có trình độ học vấn cao, nên đã có sự tìm hiểu, nghiên cứu mới đưa ra được các câu hỏi “đúng và trúng” như: Khi nào bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm BRCA, PD-L1, thuốc kháng CDK4/6 là gì, liệu pháp miễn dịch được áp dụng khi nào… Đây chính là các bệnh nhân thông thái, chính họ sẽ truyền tải kinh nghiệm và kiến thức về điều trị bệnh tốt nhất cho các bệnh nhân khác. Đặc biệt, giúp tránh được tâm lý hoang mang cho người bệnh, khi trên mạng xã hội quảng cáo tràn lan các thuốc điều trị ung thư, tránh được nguy cơ tiền mất tật mang.
Kết thúc buổi sinh hoạt là chương trình tổ chức sinh nhật cho các bệnh nhân ung thư vú. Các chị em được hòa mình vào không khí thân thiện, vui tươi, ấm áp mà quên đi căn bệnh quái ác. Họ cháy hết mình, hát vang bài chúc mừng sinh nhật, cùng nhau cắt bánh, thổi nến. Chị Kim Oanh- bệnh nhân ung thư vú di căn xương phải ngồi xe lăn một năm nay, nhưng hôm nay chị đến tham dự buổi sinh hoạt và tự đi lại được trên đôi chân của mình. Đây là kết quả của sự nỗ lực, kiên cường chống lại căn bệnh đến cùng của bản thân chị và sự yêu thương, chăm sóc của gia đình, sự sẻ chia của các thành viên Mạng lưới- đó là yếu tố quan trọng góp phần quyết định đến kết quả điều trị bệnh. Sự nỗ lực của chị Oanh đã truyền cảm hứng và niềm tin vào sức sống mãnh liệt của con người.
Ung thư vú là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở phụ nữ. Theo Báo cáo ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan 2020, tại Việt Nam, số người mới mắc ung thư vú đứng hàng thứ nhất với 21.555 người mắc, chiếm 25,8% số ca mắc ung thư ở nữ. Chi phí điều trị cho một bệnh nhân ung thư vú khá tốn kém, quá trình điều trị dài. Chính vì vậy, giảm thiểu số ca mắc mới sẽ giảm được chi phí của quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ đối với bệnh ung thư vú có tính chất quyết định. Phát hiện sớm ung thư vú thì quá trình điều trị đơn giản, có thể điều trị lành bệnh. Đối với những chị em đã mắc, thì việc nhận thức đúng về bệnh sẽ có thái độ tích cực trong việc điều trị và chung sống với bệnh. BHYT luôn đồng hành với bệnh nhân ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng. Do đó, nếu 100% người dân tham gia BHYT, thì đó chính là sự chia sẻ, chung tay với các chị em- một nửa của thế giới, để có điều kiện chữa trị tốt nhất, được tiếp cận với các thuốc mới để sống khỏe, sống đẹp bên gia đình và tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội.
Lê Thanh Ngân
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?