Phát triển công nghệ y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân
03/12/2022 07:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, tiếp cận trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh trong lĩnh vực như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch, trị liệu tế bào, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân…
Sáng 2/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác quản lý khoa học và công nghệ ngành Y tế”. Theo đó, Hội thảo đã làm rõ nhiều thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ của ngành Y tế, nhất là đã đóng góp cho sự phát triển của ngành, xã hội và kinh tế trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu rõ vai trò của khoa học công nghệ trong đời sống xã hội. Nhiều năm qua, các nhà khoa học của ngành Y tế đã tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khoẻ nhân dân và tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của thế giới.
Theo đó, các thành tựu đạt được của ngành Y tế trải rộng trên các lĩnh vực bao gồm: Y tế dự phòng, y tế công cộng-dân số; chẩn đoán, điều trị bệnh; nghiên cứu sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế; xây dựng tiêu chuẩn-quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nghiên cứu chính sách y tế và những thành tựu nổi bật khác...
"Các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế đã cung cấp số liệu, bằng chứng khoa học phục vụ đánh giá kết quả, hiệu quả các chủ trương, chính sách y tế đã thực hiện; làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; góp phần quan trọng vào xây dựng và ban hành, đánh giá các chính sách về dự phòng bệnh dịch, giảm tải BV, VSATTP, kinh tế y tế, BHYT, dân số-kế hoạch hóa gia đình...”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế công cộng, Bộ Y tế đã tích cực ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh ở người, đảm bảo sản xuất các loại vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Làm chủ được các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh. Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ y dược...
Bộ Y tế cũng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, tiếp cận trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới; làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch, trị liệu tế bào, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân…
Đồng thời, đã nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược chất phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, tăng dần tỷ lệ nguyên liệu dược chất trong nước, phát huy ưu thế, tiềm năng về dược liệu và thuốc y học cổ truyền. Quy hoạch một số vùng chuyên canh để sản xuất dược liệu; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước và thuốc y học cổ truyền; bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo trang thiết bị y tế công nghệ cao. Cùng với đó, đã xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực dược, dược liệu, vắc-xin, sinh phẩm y tế, an toàn thực phẩm và môi trường y tế.
Hội thảo “Tăng cường công tác quản lý khoa học và công nghệ ngành Y tế”.
Chia sẻ về thành quả nghiên cứu khoa học y tế, ông Nguyễn Ngô Quang- Phó Cục trưởng Cục Khoa học- Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) nêu rõ: Từ năm 2015 đến nay, trong nước đã thực hiện 460 nhiệm vụ nghiên cứu phát triển thuốc mới, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc và vắc-xin, đặc biệt thuốc mới chiếm tỷ lệ cao nhất. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam góp phần tạo cơ hội cho người bệnh tiếp cận thuốc, phương pháp điều trị mới. Nhiều thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ ngành Y tế đã đóng góp cho sự phát triển của ngành, xã hội và kinh tế trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, Bộ Y tế đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học điều chế một số sinh phẩm y học để phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Nổi bật nhất là các nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm vắc-xin, đưa Việt Nam trở thành một nước có thế mạnh về sản xuất vắc-xin trên thế giới. Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị có nhiều công trình, cụm công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ và nhiều giải thưởng khác trong các lĩnh vực: Chẩn đoán hình ảnh, huyết học và truyền máu, ung bướu, hô hấp, hồi sức cấp cứu… của các nhà khoa học của BV Bạch Mai, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, BV Phổi Trung ương, BV K và nhiều đơn vị khác.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thuốc, Bộ Y tế đã tiếp thu làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền, nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng; nghiên cứu, khai thác nguồn dược liệu trong nước, bài thuốc cổ truyền tạo sản phẩm tốt có giá thành thấp; bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm làm thuốc.
Trong lĩnh vực nghiên cứu trang thiết bị y tế, Bộ Y tế nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như: Máy siêu âm, X-quang, laser, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa. Việc chuyển giao và ứng dụng thành công trong sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân Covid-19 khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu sản xuất một số trang thiết bị y tế công nghệ cao.
“Có được những kết quả trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo và điều hành hoạt động khoa học công nghệ trên cơ sở bám sát, thực hiện các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Các nhiệm vụ được triển khai có giá trị khoa học, hiệu quả kinh tế, ý nghĩa xã hội, trực tiếp phục vụ nhu cầu thực tiễn phát triển ngành Y tế”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe và thảo luận một số nội dung về tăng cường công tác quản lý khoa học công nghệ ngành Y tế như: Đánh giá thực trạng, kết quả và ứng dụng của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngành Y tế giai đoạn từ năm 2010 đến nay; kế hoạch tăng cường quản lý khoa học và công nghệ ngành Y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; báo cáo của các đơn vị về thực trạng, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất đối với quy trình quản lý, triển khai hoạt động khoa học và nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ của đơn vị; dự thảo thông tư quy định quy trình quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế; đề án ứng dụng CNTT trong trường quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực y tế.
Hà Hùng
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?