Tiếng nói của cử tri Công nhân lao động

20/05/2024 10:00 AM


 

 

 

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với NLĐ trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Việt Bắc- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hạ Long cho biết, số lượng cán bộ Công đoàn ở cấp tỉnh/cấp huyện được bố trí chưa tương xứng yêu cầu nhiệm vụ, gây khó khăn cho hoạt động Công đoàn.

Theo ông Bắc, LĐLĐ TP.Hạ Long đang quản lý gần 550 Công đoàn cơ sở với gần 30.000 đoàn viên. Tuy nhiên, số cán bộ Công đoàn theo biên chế hiện chỉ có 7 người. Do đó, Quốc hội cần xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi); tăng quyền chủ động của tổ chức Công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ Công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ góc độ NLĐ, cử tri Nguyễn Văn Bắc- công nhân Công ty TNHH Đông Đức (TP.Uông Bí) bày tỏ quan tâm đến việc giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm, để nhiều NLĐ được hưởng chế độ hưu trí. Nhấn mạnh đây là phương án rất tốt cho NLĐ, song mức lương được hưởng sẽ rất thấp, cử tri mong muốn Quốc hội xem xét có các quy định mang tính chia sẻ, hỗ trợ những NLĐ có mức tiền lương hưu thấp do số năm tham gia BHXH thấp.

Về tình trạng rút BHXH một lần vẫn đang gia tăng do nhiều nguyên nhân. Theo thống kê, năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 5.550 trường hợp rút BHXH một lần; năm 2023 tăng lên 8.028 trường hợp. Từ tháng 1 đến tháng 4/2024, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận 2.749 trường hợp rút BHXH một lần.

Từ thực tế trên, cử tri mong muốn Quốc hội có giải pháp bảo vệ quyền lợi NLĐ. Cụ thể, cử tri kiến nghị chọn phương án 1 trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi): “NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm”, bởi có ưu điểm là cơ bản bảo đảm kế thừa quy định của Luật BHXH hiện hành. Cùng với đó, cần có giải pháp hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm như: Tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động...

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, các ý kiến của cử tri tập trung vào những nội dung như: Cần tăng biên chế cán bộ Công đoàn chuyên trách, tháo gỡ chính sách tuyển dụng cán bộ Công đoàn, chế độ đãi ngộ cho cán bộ Công đoàn, luật hóa hoạt động giám sát của tổ chức Công đoàn…

Đáng chú ý, nhiều ý kiến cử tri cũng góp ý, đề xuất liên quan đến Dự án Luật BHXH (sửa đổi) như: Vai trò của tổ chức công đoàn trong lĩnh vực BHXH; vấn đề rút BHXH một lần; có giải pháp giải quyết quyền lợi cho NLĐ khi DN hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ DN cố tình bỏ trốn nhưng còn nợ BHXH; quy định mức lương hưu; chế độ ốm đau, thai sản…

Ngoài ra, còn có những ý kiến góp ý, đề xuất liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ như: Vùng áp dụng lương tối thiểu vùng; chính sách nhà ở cho NLĐ; đầu tư thiết chế văn hóa; tăng thêm ngày nghỉ lễ; khám bệnh vào ngày nghỉ vẫn được hưởng chế độ BHYT; hồ sơ giải quyết chế độ TNLĐ…

Ông Lê Văn Tân- đại diện NLĐ tại Công ty TNHH Đông Phương nêu thực tế nhiều NLĐ cả tuần đi làm nên thường tranh thủ Chủ nhật hoặc ngày lễ để đi khám bệnh, nhưng cơ sở y tế lại không thanh toán BHYT vào những ngày này. Hay như NLĐ trên đường đi làm về bị tai nạn giao thông, được xem là TNLĐ- theo quy định được thanh toán BH TNLĐ-BNN, nhưng để được thanh toán, cần phải có giấy xác nhận của cơ quan Công an. Vì vậy, ông Tân mong muốn có sự điều chỉnh để tạo thuận lợi cho NLĐ trong chăm sóc sức khỏe và hưởng quyền lợi chính đáng của mình.

Còn ông Hoàng Xuân Hải- đại diện Công ty Uni-President nói rằng, NLĐ rút BHXH một lần nhiều vì lý do lương thấp, hoàn cảnh khó khăn, chưa hoàn toàn tin tưởng vào chính sách. Ngoài ra, thực trạng DN nợ BHXH cũng ảnh hưởng rất lớn đến NLĐ. Hiện nay, có người thời gian đóng BHXH dài hơn quy định nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu, song vì lý do khách quan không đi làm tiếp, chờ lâu quá nên họ phải rút BHXH một lần để lo trước mắt... Vì vậy, cần có giải pháp để NLĐ yên tâm.

Giải trình kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, việc xác nhận TNLĐ để giải quyết chế độ thống nhất quy định là Công an cấp xã, phường hoặc UBND cấp xã, phường xác nhận. Về giảm 15 năm đóng BHXH để nhiều người tham gia, bảo đảm an sinh xã hội và quyền lợi của NLĐ. Đáng chú ý, theo quy định, NLĐ đóng BHXH càng cao, thì mức lương hưu sẽ cao theo. “Tuy nhiên, thực tế nhiều DN trả lương cho NLĐ cao, nhưng mức lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, nên ảnh hưởng quyền lợi NLĐ”- ông Hùng chỉ rõ.

Làm rõ thêm một số kiến nghị của cử tri, ĐBQH Phan Thái Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, việc quy định KCB ngày nghỉ không được thanh toán BHYT ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, do đó đề nghị cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh. Về vấn đề nhà ở cho NLĐ, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đưa vào văn bản kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu để quy hoạch quỹ đất, rà soát nhu cầu thực tế…

“Riêng vấn đề DN chậm đóng BHXH, BHYT và nợ phí Công đoàn- đây là những vấn đề lớn và nhức nhối không riêng ở Quảng Nam, mà nhiều địa phương khác đều gặp phải trong đại dịch Covid-19, khi hầu hết DN rất khó khăn. Tuy nhiên, từ sau dịch đến nay, việc đóng BHXH và nợ phí Công đoàn không hoàn toàn do DN khó khăn, mà vẫn có một số DN chây ỳ. Hiện nay, số tiền DN nợ BHXH đã trên 260 tỷ đồng… Sắp tới, tỉnh sẽ giao các sở, ban ngành chức năng và chính quyền các cấp khẩn trương phối hợp thanh tra, kiểm tra, DN nào cố tình chây ỳ sẽ bị xử lý”- ông Phan Thái Bình nói.

Tại Hội nghị do Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng tổ chức, cử tri đề nghị cần bổ sung đối tượng chủ nhóm trẻ độc lập tư thục là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; tăng thời gian nghỉ khám thai sản cho lao động nữ; đặc biệt cần chú trọng bảo vệ quyền lợi của NLĐ khi bị DN nợ BHXH kéo dài.

Anh Trần Công Vy- NLĐ tại Công ty CP MP Pack nêu thực tế, việc thi hành Luật BHXH 2014 cho thấy, vẫn còn một bộ phận NLĐ bị treo quyền lợi BHXH do DN hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ DN bỏ trốn, dẫn đến NLĐ bị mất quyền lợi. “Tôi đề nghị các ĐBQH góp ý và kiến nghị bổ sung chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng DN nợ, trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ. Tôi cho rằng, cần bổ sung chế tài khởi tố hình sự đối với DN nợ BHXH trên 6 tháng để đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi”- anh Vy đề xuất.

Cùng nêu ý kiến về vấn đề bảo vệ quyền lợi NLĐ khi bị DN nợ BHXH, anh Nguyễn Tấn Trung- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật (huyện Hòa Vang) cho rằng, khi bị DN nợ BHXH, NLĐ sẽ tìm đến Công đoàn để nhờ bảo vệ, hỗ trợ khiếu kiện. Tuy nhiên, quy định hiện hành yêu cầu mỗi NLĐ phải làm đơn và ủy quyền cho Công đoàn. Việc này khá phức tạp. Nếu một công ty có đến 500 người khởi kiện, thì hồ sơ giấy tờ sẽ quá lớn. 

“Tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu và có quy định rõ quyền của Công đoàn trong việc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ về BHXH. Khi DN nợ BHXH thì tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện chủ DN để đòi nợ, chứ không cần ủy quyền của NLĐ, nhằm nhanh chóng tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn bảo vệ NLĐ, nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn”- anh Trung đề xuất.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Luật BHXH (sửa đổi) là bộ luật quan trọng có tác động trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Các ý kiến phát biểu của cử tri vừa làm rõ các quy định của luật, vừa đồng thời bổ sung các vấn đề mà luật chưa bao quát. Việc đề nghị bổ sung đối tượng hưởng BHXH, phương án BHXH một lần, hỗ trợ NLĐ khởi kiện, vai trò của tổ chức Công đoàn trong khởi kiện, xử lý DN trốn tránh, chây ỳ đóng BHXH… là những vấn đề rất thực tiễn.

“Đoàn ĐBQH sẽ ghi nhận tất cả nội dung NLĐ đề xuất, để có ý kiến với Quốc hội xem xét đưa vào luật. Còn với những ý kiến không được bổ sung trong luật thì cũng cần có những hướng dẫn của Chính phủ để giải quyết được những vấn đề NLĐ quan tâm”- ông Quảng chia sẻ. 

Nêu kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, cử tri CNLĐ huyện Châu Thành A bày tỏ qquan tâm những vấn đề như: Nâng cao quyền lợi cho lao động nữ, tín dụng đen, nhà ở xã hội, DN chậm đóng, nợ BHXH làm ảnh hưởng đến đời sống NLĐ, rút BHXH một lần, chính sách cho NLĐ có con từ 7 đến 16 tuổi…

Tại buổi tiếp xúc, bà Thái Thu Xương- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Liên quan đến vấn đề DN chậm đóng, nợ BHXH, bà Thái Thu Xương cho biết, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp với Chính phủ cũng như các địa phương có giải pháp giúp DN phát triển, nhất là đôn đốc DN đóng BHXH, BHYT cho NLĐ, để được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi.

“Hiện, tổ chức Công đoàn đã đưa vào thảo luận vấn đề rút BHXH một lần và tổng hợp được rất nhiều ý kiến đóng góp của NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có kiến nghị với cơ quan soạn thảo và sắp tới sẽ trình ra Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này để đảm bảo chính sách có lợi nhất cho NLĐ”- bà Xương khẳng định.

Đối với kiến nghị về nhà ở xã hội và các thiết chế văn hóa trong các KCN, bà Thái Thu Xương cho hay, nội dung này đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng các văn bản, để khi Nghị định của Chính phủ ban hành, sẽ hướng dẫn cho các cấp Công đoàn cũng như phối hợp với địa phương thực hiện.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan việc nâng cao quyền lợi cho lao động nữ, chế độ chính sách nghỉ chăm con bệnh cho NLĐ có con trong tuổi vị thành niên... cũng sẽ được đoàn ĐBQH ghi nhận, tổng hợp và kiến nghị đến Quốc hội.

Bài: Nguyệt Hà Đồ hoạ: Than An