Tối ưu hoá chi phí KCB BHYT: Ưu tiên hàng đầu là quyền lợi người bệnh
30/10/2024 07:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 29/10, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá công tác KCB BHYT 9 tháng đầu năm và các giải pháp sử dụng chi phí hợp lý, đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT trong các tháng cuối năm 2024. Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam và lãnh đạo BHXH 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có chi phí KCB BHYT gia tăng cao.
Mức tăng chi phí “vượt xa” số tăng lượt KCB BHYT
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát, đảm bảo chi phí KCB BHYT được sử dụng đúng quy định, giảm thiểu các chi phí bất hợp lý, đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT… Tuy nhiên, chi phí KCB BHYT năm 2024 gia tăng với “biên độ” lớn so với số lượt KCB- đang là vấn đề cần được quan tâm.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 9 tháng năm 2024, số lượt KCB tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng chi phí tăng tới 15,5%. Mức tăng chi phí này tương đương gia tăng 13.686 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, đưa tổng số chi KCB BHYT lên 102.057 tỷ đồng. Do đó, hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT thể hiện trước hết là đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, yêu cầu cơ sở KCB phải cung ứng dịch vụ y tế đúng, đủ cho bệnh nhân BHYT. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, thực hiện thanh quyết toán đảm bảo minh bạch, đúng quy định...
Nhấn mạnh sự biến động chi phí KCB BHYT của 26 địa phương sẽ tác động lớn đến chi phí chung của toàn quốc, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho rằng, Hội nghị lần này giúp BHXH các địa phương nhận diện rõ nguyên nhân gia tăng chi phí, bởi mỗi nơi có những đặc thù khác nhau. Trên cơ sở phân tích các giải pháp hiệu quả, khó khăn, vướng mắc để rút ra các nhóm giải pháp đảm bảo tối ưu hoá chi phí KCB BHYT, giảm thiểu các chi phí gia tăng bất hợp lý trong các tháng cuối năm 2024 và thời gian tới...
Báo cáo của BHXH các địa phương chia sẻ tại Hội nghị cũng cho thấy, một trong những mặt tích cực của việc gia tăng chi phí KCB BHYT là nhiều địa phương đã đảm bảo được việc đấu thầu, cung ứng đầy đủ vật tư y tế phục vụ phẫu thuật, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật có chi phí lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tình trạng cơ sở KCB chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm rộng rãi quá mức cần thiết; hay như chỉ định điều trị nội trú với các bệnh nhân mắc bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú, kéo dài ngày điều trị...
Ưu tiên hàng đầu là quyền lợi người bệnh
Tại Hội nghị, BHXH các địa phương cũng chia sẻ nhiều giải pháp đã được triển khai trong thời gian qua theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Cụ thể như: Định kỳ báo cáo UBND tỉnh và thông báo cho Sở Y tế về tình hình thực hiện KCB BHYT trên địa bàn. Qua đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở KCB trên địa bàn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT; tập trung phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân gây gia tăng chi phí KCB BHYT, đặc biệt là các chỉ tiêu đã được cơ quan BHXH cảnh báo; thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát, điều chỉnh kịp thời các chỉ số gia tăng cao.
Cùng với đó, chủ trì phối hợp với Sở Y tế tổ chức các buổi làm việc với những cơ sở KCB để thông tin tình hình chi phí, các chỉ số tăng cao để yêu cầu rà soát, điều chỉnh. Phối hợp với các cơ sở KCB BHYT rà soát, tổng hợp, đánh giá kết quả điều chỉnh các chỉ tiêu bình quân chi KCB BHYT đã được BHXH tỉnh thông báo, cảnh báo. Kiên quyết từ chối chi phí KCB BHYT thanh toán không đúng quy định như: Chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật không đúng, không phù hợp với tình trạng bệnh của người bệnh, không đúng quy định chuyên môn của Bộ Y tế...
Trao đổi tại Hội nghị, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ thực hiện dự toán của 63 tỉnh, thành phố là 84%. Trong 13 tỉnh tham dự hội nghị hôm nay, địa phương có tỷ lệ thực hiện cao nhất là tỉnh Sơn La 91%, đứng thứ hai là Phú Thọ 89%, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng và Thái Bình có tỷ lệ 88%; các tỉnh còn lại có tỷ lệ sử dụng dự toán từ 87% trở xuống…
Theo ông Phúc, để đảm bảo chi KCB BHYT hiệu quả, tối ưu hoá nguồn lực để người bệnh hưởng quyền lợi tối đa, BHXH các địa phương cần bám sát các công văn hướng dẫn nghiệp vụ của BHXH Việt Nam; nâng cao hiệu quả trong lựa chọn và làm việc với cơ sở có chi phí tăng cao; đồng thời gắn kiểm soát chi phí với quản lý, sử dụng dự toán chi KCB BHYT được giao của từng tỉnh…
Ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT cũng phân tích, đánh giá cụ thể tình hình gia tăng chi phí KCB BHYT của từng BHXH tỉnh tham dự Hội nghị. Theo ông Đức, một số điểm cần lưu ý như: Chi phí bình quân cho mỗi lượt KCB tăng lên có phù hợp? Số lượt KCB nhiều lần mà không phải bệnh nhân mạn tính?… Bên cạnh đó, ông Đức cũng chỉ ra một số nội dung trọng tâm trong thực hiện công tác giám định BHYT 3 tháng cuối năm; hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định cho BHXH các địa phương…
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hoà nhấn mạnh: “Với mục tiêu tập trung đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT, việc ngành BHXH Việt Nam tăng cường giám định chi phí KCB BHYT cũng là thực hiện trách nhiệm này, tối ưu hoá nguồn lực phục vụ nhân dân”. Nhận diện các vấn đề phát sinh tại từng địa phương, chỉ ra nguyên nhân gia tăng chi phí, Phó Tổng Giám đốc đề nghị BHXH các địa phương có giải pháp tổng thể trong kiểm soát chi phí, nhất là cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Theo đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị; không để chậm, muộn trong quá trình thực hiện chính sách, giải quyết quyền lợi; thực hiện phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị liên quan, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHYT. “Cương quyết không thanh toán, kể cả một đồng chi phí lãng phí, sai quy định”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh và cho rằng "đây cũng là nguyên tắc đảm bảo quỹ BHYT được sử dụng hiệu quả trong thực tế".
Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT và Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT tổng hợp các nội dung được BHXH các tỉnh chia sẻ, cũng như các nhóm giải pháp hiệu quả. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, phối hợp với BHXH các địa phương đảm bảo hiệu quả công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các giám định viên.
Thái An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bình Thuận đạt và vượt chỉ tiêu chi trả các chế độ BHXH, ...
Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho cán bộ phụ nữ cơ sở
Phát huy vai trò cán bộ không chuyên trách trong việc tuyên ...
BHXH Việt Nam: Công bố quyết định về công tác cán bộ
BHXH tỉnh Bình Thuận: Đổi mới truyền thông để phủ rộng lưới ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?