Chi phí y tế tăng cao trong đầu năm 2025

18/02/2025 09:15 AM


Hiệu lực của Thông tư số 21/2024/TT-BYT (quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh) khiến dịch vụ y tế trở thành yếu tố tăng cao nhất trong chỉ số giá tiêu dùng đầu năm 2025.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025, tăng 0,98% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,51 điểm phần trăm. Đặc biệt, riêng chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 12,57% do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, thời tiết chuyển sang mùa đông, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ban ngày và ban đêm nên bệnh cảm cúm, đường hô hấp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng. Cụ thể, giá nhóm thuốc vitamin và khoáng chất tăng 0,34%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,16%; thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0,12%.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, trong các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 01/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 14,14%, làm CPI chung tăng 0,76 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế…

Năm 2024, Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, trong đó, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cũng nằm trong nhóm có mức tăng cao nhất là 7,16%, chỉ đứng sau nhóm lương thực (12,9%), tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT từ ngày 17/11/2023 và Thông tư số 21/2024/TT-BYT từ ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản của tháng 01/2025 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,63%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam đã có tháng khởi đầu của năm 2025 đầy ấn tượng với mức tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch đã tạo nên cú hích lớn và thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một, ước tăng tới 9,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng và tăng 2,7% so với tháng trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng thực tế là 6,6%, điều này cho thấy sức mua của người dân là khá lớn, và là động lực tích cực cho nền kinh tế…

Thái An