Tấm gương sáng trong công tác phát triển BHXH tự nguyện

21/07/2020 07:47 AM


Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chuyên viên Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), chị Phạm ngọc Diễm Thúy - Chuyên viên Văn phòng, BHXH tỉnh Bình Thuận tích cực nghiên cứu chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) các văn bản, hướng dẫn của Ngành, các mô hình thiết thực để áp dụng hiệu quả vào tình hình thực tế địa phương, cũng như phán đoán, nắm bắt tâm lý người dân để từng bước đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận từng đối tượng, chia sẻ, giải thích kịp thời băn khoăn, thắc mắc”, giúp cho người dân hiểu rõ hơn về chính sách BHXH tự nguyện để từ đó, chủ động, tự giác đăng ký tham gia.

 

chị Phạm Ngọc Diễm Thúy, Chuyên viên bộ phận Tiếp nhận & Trả kết quả TTHC, Văn phòng BHXH tỉnh

“Sẽ không thể vận động, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện nếu không “bám thôn xóm, bám dân” để tiếp cận và tư vấn, giải đáp chính xác nhu cầu tìm hiểu chính sách của họ”. Chị Thúy tâm sự: “Trong những năm qua, có thể nói rằng, đối tượng lao động ở Bình Thuận, tôi và đồng nghiệp đều từng tìm cơ hội tiếp cận. Chúng tôi đến các làng chài, gặp gỡ ngư dân, lao động biển, người làm nghề khai thác rau câu biển, người nuôi, trồng thủy sản… hay len lỏi vào các khu chợ, tổ tiểu thương, đến từng hộ gia đình để truyền thông, vận động về BHXH tự nguyện. Người dân Bình Thuận đa phần làm nghề nông, sản xuất, xuất khẩu trái thanh long, số lượng công nhân làm theo thời vụ rất đông, tôi mạnh dạn gặp từng công nhân, nông dân để tuyên truyền, giải đáp trực tiếp, đồng thời, giải thích, hướng dẫn sâu, kỹ. Rất đáng mừng là nhiều công nhân đã đồng tình, vui vẻ làm thủ tục tham gia BHXH tự nguyện”.

Đi vận động, tuyên truyền đối tượng ngư dân, lao động biển... vất vả vô cùng, vì họ có tâm lý e ngại, chưa thực sự tin tưởng, cho rằng “chỉ có cán bộ công chức Nhà nước mới có lương hưu”. Lúc ấy, người cán bộ BHXH không chỉ giải thích về chế độ, chính sách, mà còn phải thuyết phục bằng “cái tâm” để người dân có thêm niềm tin vào chính sách BHXH tự nguyện. Một ngày không được thì hai ngày, hai ngày không xong thì ba ngày... Không gì vui mừng bằng, sau khi tiếp cận với mình, bà con hiểu được rõ ràng, cụ thể về quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện như được hưởng như chế độ hưu trí, chế độ tử tuất và một số quyền lợi khác. Đặc biệt, hiểu thêm một số nội dung quan trọng, rất có lợi cho người tham gia: Hưởng lương hưu hàng tháng không thời hạn, BHXH một lần, trợ cấp tuất một lần, trợ cấp mai táng… Từ những thông tin được tôi trực tiếp trao đổi, nhiều người dân từ đủ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) đã tham gia BHXH tự nguyện. Một số người tham gia BHXH bắt buộc đã nghỉ việc chưa đủ năm và đủ tuổi nhận lương hưu muốn làm thủ tục nhận BHXH một lần, nhờ sự vận động, họ cân nhắc kỹ hơn hoặc không nhận BHXH một lần.

Chị Thúy chia sẻ “ Một bộ phận người dân chưa quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của BHXH tự nguyện, thậm chí cá biệt có người không hề biết đến sự tồn tại của chính sách BHXH tự nguyện; đối tượng khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện là người làm nghề tự do, nông dân, người có việc làm không ổn định, thu nhập thấp, thu nhập không thường xuyên... song họ trước giờ chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già; chính quyền một số địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện, chưa giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tổng kết, đánh giá, kiểm điểm tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện... Ngoài ra, mạng lưới Đại lý thu BHXH tự nguyện còn thụ động, trình độ Đại lý thu còn hạn chế nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia”.

Làm sao để khơi dậy trong người lao động ý thức rằng thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của chính bản thân. Khi còn trẻ, còn khả năng lao động để tạo ra được thu nhập thì cần tích lũy “của để dành”, để khi về già, không còn khả năng lao động tạo thu nhập, lúc đó vẫn có lương hưu để tự chủ trong cuộc sống, không phải lệ thuộc vào người khác; được cấp thẻ BHYT để không may ốm đau, bệnh tật được khám, chữa bệnh với sự hỗ trợ của Quỹ BHXH; đến khi qua đời, người lo mai táng cũng được hưởng trợ cấp mai táng với 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết, thân nhân còn được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu 03 tháng lương hưu hiện hưởng, trường hợp có thân nhân đủ điều kiện trợ cấp tuất tháng thì tối đa được 04 định suất, trong đó con còn nhỏ được hưởng đến khi trưởng thành, cha mẹ già hưởng đến khi qua đời”.

Từ việc tuyên truyền, giải thích, vận động thiết thực của chị Phạm ngọc Diễm Thúy, những năm qua, hàng trăm người dân Bình Thuận đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện; riêng năm 2019, chị Thúy đã vận động, phát triển được hơn 170 người tham gia BHXH tự nguyện. Những trường hợp ở xa, không gặp trực tiếp vận động, chị Thúy trao đổi qua điện thoại, chị trở thành “cầu nối” để cán bộ tuyên truyền, phát triển đối tượng, Đại lý thu BHXH tự nguyện tiếp cận, kết nối với người dân. Ghi nhận sự nỗ lực, cũng như hiệu quả trong công việc của chị Thúy, BHXH tỉnh Bình Thuận đã giành cho chị một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng: Giấy khen của Giám đốc BHXH tỉnh năm 2015, 2016; Danh hiệu lao động tiên tiến từ năm 2015-2019; Danh hiệu Chiến sỹ thi đua năm 2019...

Minh Thông