Nhận BHXH một lần bị “thiệt đơn, thiệt kép” khi lương hưu tăng

12/07/2024 10:26 AM


Trên thực tế, người rút BHXH một lần chỉ được nhận số tiền cố định được tính toán căn cứ vào mức bình quân tiền lương đóng BHXH, thời gian đóng và hệ số trượt giá tại thời điểm rút BHXH một lần.

 

Một lao động bị tai nạn phải phẩu thuật, không có thẻ BHYT sau khi nhận BHXH một lần

Trong khi đó, người hưởng lương hưu liên tục được điều chỉnh tăng lương trong quá trình hưởng. Nếu tính từ năm 1995 đến thời điểm 1/7/2024, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 24 lần điều chỉnh tăng lương hưu để đảm bảo đời sống của người nghỉ hưu. Như đợt tăng lương hưu ngày 01/7/2024 vừa qua, lương hưu được tăng 15%, cao hơn tỷ lệ lạm phát năm 2023 nhiều lần nên đã cải thiện tốt hơn đời sống của người nghỉ hưu.

 Trường hợp bà Lương Thị Hoài (91 tuổi, phường phú thủy, TP Phan Thiết), là một minh chứng, khi nghỉ việc vào năm 1984, bà chỉ được nhận 290 đồng. Đến kỳ lương hưu tháng 7/2024, mức lương của bà đã được điều chỉnh lên gần 5 triệu đồng. Ngoài số tiền lương hưu hàng tháng tăng theo thời gian, bà còn thảnh thơi không phải lo lắng đến việc mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hàng năm, vì bà được BHXH cấp thẻ BHYT miễn phí. Trong khi đó, người không có chế độ hưu trí phải mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình chỉ được chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh, chi phí mua thẻ thì tăng hàng năm theo mức lương cơ sở. Khi tăng lương, quyền lợi đầu tiên mà người hưởng lương hưu được tăng thêm đó là trợ cấp mai táng phí. Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, người lao động (NLĐ) sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH, mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già. Trong khi đó lương hưu luôn được điều chỉnh. Người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình là 80%). Mặt khác, trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân sẽ được hưởng đầy đủ chế độ tử tuất, bao gồm: Trợ cấp mai táng phí; trợ cấp tuất hàng tháng tối đa cho 4 người thân.

“Nếu 5 năm trước tôi không nhận BHXH một lần mà để đóng tiếp BHXH tự nguyện thì bây giờ tôi hưởng lương hưu rồi, có lương cuộc sống đỡ vất vả. Số tiền tôi nhận BHXH một lần trước đây gần 200 triệu đồng, tôi đưa cho con trai đầu tư quầy bán hàng công nghệ phẩm, nhưng bị thua lỗ, tiền đầu tư cũng bay luôn. Lỡ nhận BHXH một lần bây giờ phải lo đủ điều, trong khi tuổi già, sức yếu  bệnh tật liên miên, thẻ BHYT lại tăng giá. Giờ nghĩ lại thấy nhận BHXH một lần bị “thiệt đơn, thiệt kép” - Bà Hoàng Thị Xuân, năm nay bước vào tuổi 57 ở phường Phú Thủy (Phan Thiết) chia sẻ.

Tại Bình Thuận việc tuyên truyền vận động người lao động hạn chế nhận BHXH một lần tuy chưa mang lại hiệu quả cao, nhưng bước đầu số người nhận BHXH một lần đang có xu hướng giảm dần. Đến đầu tháng 7/2024, toàn tỉnh đã xét duyệt và chi trả cho 7.863 hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH một lần (theo Điều 60 Luật BHXH), giảm 6,7% (giảm 444 hồ sơ) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tháng 6/2024 có 1.293 hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH một lần được xét duyệt, chi trả, giảm 14,5% (giảm 220 hồ sơ) so với tháng 5/2024 và giảm 3,2% (giảm 43 hồ sơ) so với cùng kỳ năm 2023. Có thể nói, số lượt người hưởng BHXH một lần trong tháng 6/2024 và 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều NLĐ ý thức được việc lợi nhận lương hưu lúc tuổi già; người lao động sau khi nghỉ việc, không tìm được việc làm mới; một số lao động điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn nên muốn nhận BHXH một lần. Hầu hết người hưởng trợ cấp BHXH một lần có tuổi đời còn trẻ dưới 30 tuổi và quá trình tham gia đóng BHXH có thời gian ngắn.

Như vậy, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần NLĐ hãy cân nhắc nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động; nhất là trong thời gian tới đây, NLĐ dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho NLĐ dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài.                                                                         

H.Nhật