Bảo hiểm xã hội tự nguyện góp phần đảm bảo an sinh xã hội
11/03/2022 05:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm hỗ trợ cho người lao động tự do có cơ hội tích lũy để được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế (BHYT), hưởng chế độ tử tuất khi điều không may xảy ra. Hiện nay, BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ mức đóng và có nhiều phương thức đóng phù hợp. Từ ngày 1/1/2022 người tham gia BHXH tự nguyện đóng theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Giám đốc BHXH tỉnh
Thưa ông, đối tượng nào được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và quyền lợi được hưởng như thế nào?
Ông Đặng Minh Thông: Hiện nay, BHXH tự nguyện là hình thức tham gia đối với những người lao động tự do. Đây là hình thức bảo hiểm “mở” cho các nhóm: Người nghèo, người cận nghèo, người lao động tự do có thu nhập thấp hoặc những người không làm việc tại các cơ quan, đơn vị mà có nhu cầu hưởng lương hưu khi tuổi già. Để đáp ứng được nhu cầu trên, BHXH tự nguyện có các mức đóng linh hoạt phù hợp từng đối tượng. Người lao động tự lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH. Chính sách bảo hiểm này hướng tới các quyền lợi cho người tham gia, gồm: Chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế và chế độ tử tuất.
Những năm qua việc triển khai BHXH tự nguyện có thuận lợi không?
Ông Đặng Minh Thông: Năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là 14.986 người, đạt 100,03% kế hoạch năm; tăng 22,6%, tương ứng tăng 2.761 người so với năm 2020. Nhìn chung, kết quả thực hiện về số người tham gia và số thu hàng năm thì năm sau đều tăng cao hơn so với năm trước. Tuy nhiên, do BHXH tự nguyện là chính sách mới, vì vậy, mặc dù số thu năm sau có tỷ lệ tăng cao, nhưng số người tham gia so với lực lượng lao động còn đạt tỷ lệ rất thấp. Người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu; số người tham gia BHXH tự nguyện mới còn hạn chế. Nhất là hai tháng đầu năm 2022 thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng thì số người tham gia đang có xu hướng giảm mạnh (tháng 1/2022 giảm 5,4% so với tháng 12/2021; tháng 2/2022 giảm 13% so với tháng 1/2022).
Nguyên nhân giảm là do chính sách chưa thỏa đáng hay do ý thức người tham gia?
Ông Đặng Minh Thông: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp là do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng. Người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, không ổn định, mức đóng lại tăng …Từ ngày 1/1/2018 người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn được hỗ trợ mức cao hơn mới thu hút được họ tham gia BHXH tự nguyện.
Ông nói rõ hơn mức hỗ trợ của Nhà nước đối với loại hình bảo hiểm này?
Ông Đặng Minh Thông: Mức hỗ trợ tiền đóng hàng tháng cho người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020 theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ được thực hiện như sau: Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Nhà nước cũng có thể hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia BHXH đóng theo phương thức 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc số tiền hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện đóng theo phương thức một lần cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng năm đóng.
Từ năm 2022 người tham gia BHXH tự nguyện đóng theo mức chuẩn nghèo đa chiều, ông nói cụ thể hơn về quy định này?
Ông Đặng Minh Thông: Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng được tính bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Năm 2021, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng và mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/người/tháng. Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 thấp nhất là 154.000 đồng/tháng.
Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất theo mức chuẩn nghèo mới sẽ là: 22% x 1,5 triệu = 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với trước. Mức thu nhập chuẩn nghèo đa chiều mới tăng lên gấp đôi nên mức đóng BHXH tự nguyện cũng tăng theo, điều này sẽ gây khó khăn hơn cho công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn mới.
Vậy, ngành BHXH có giải pháp gì, thưa ông?
Ông Đặng Minh Thông: Xác định đây là bài toán khó nên ngay từ những tháng cuối năm 2021, BHXH Bình Thuận đã tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân hiểu cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương nắm rõ, từ đó có các giải pháp tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả, hướng tới đạt độ bao phủ BHXH tự nguyện đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng, của các cấp chính quyền địa phương.
Ông có kiến nghị gì về chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện?
Ông Đặng Minh Thông: Để người dân tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, thiết nghĩ, theo mức chuẩn nghèo mới này Nhà nước cũng nên xem xét tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện nâng từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Mặt khác, địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ thêm cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tùy vào nguồn thu ngân sách, nhằm tăng trưởng của tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện trong năm 2022.
Xin cám ơn ông!
Lê Thanh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tổng kết Cụm thi đua BHXH cấp huyện năm 2024
Thông báo thời điểm được thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, ...
Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024 và triển ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận 30 năm xây dựng và phát ...
Kết quả công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực thi ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?