Làm gì để giảm thiểu số doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm kéo dài?

26/09/2023 11:35 AM


Tình trạng các doanh nghiệp ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, giải thể đang có xu hướng gia tăng, song doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài thì chưa có văn bản hướng dẫn xử lý của cấp có thẩm quyền. Từ đó, dẫn đến tiền nợ BHXH cộng với tiền lãi chậm đóng hàng tháng phát sinh, gây hệ lụy và bức xúc cho bao người lao động ( NLĐ) khi nghỉ việc.

Các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19

Trên thực tế, tình trạng các doanh nghiệp ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, giải thể tăng nhanh là một tổn thương lớn đối với doanh nghiệp, NLĐ và lớn hơn nữa là đối với nền kinh tế. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có văn bản thống nhất hướng dẫn xử lý tình trạng nợ đóng BHXH khó thu. Do chế tài xử lý nợ đóng BHXH chưa đủ mạnh nên dẫn tới tình trạng khó giải quyết dứt điểm các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm. Vậy, cần làm gì để hạn chế cũng như ngăn chặn tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm?

Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội cơ bản của Nhà nước, tình trạng nợ, chậm đóng BHXH kéo dài của các doanh nghiệp, không những gây hệ lụy trực tiếp đến NLĐ mà còn gây rất nhiều phiền toái cho cơ quan BHXH, các cơ quan quản lý lao động. Tại Bình Thuận cuối năm 2022 số đơn vị không còn tồn tại, không hoạt động (giải thể, phá sản) chỉ có 134 đơn vị, với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN kéo dài hơn 9.162 triệu đồng. Đến đầu tháng 9/2023 đã tăng lên 169 đơn vị phá sản, giải thể, ngừng hoạt động với tổng số tiền chậm đóng 13.178 triệu đồng, chiếm 6,6% tổng số tiền chậm đóng. Song, chưa có văn bản hướng dẫn xử lý các doanh nghiệp nợ nói trên. Mặt khác, qua rà soát, hiện nay còn 125 đơn vị ngừng giao dịch với cơ quan BHXH, với số tiền chậm đóng 4.790 triệu đồng. Bên cạnh đó có nhiều doanh nghiệp ngành chế biến hải sản, xây dựng, chế biến gỗ…chưa khắc phục được số tiền chậm đóng phát sinh trước và trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19, nay tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên để tiền chậm đóng kéo dài hàng chục tháng (trong đó chậm đóng kéo dài từ 3 tháng trở lên là 90.739 triệu đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền chậm đóng) như: Công ty TNHH Thanh Nguyên; Công ty Cổ phần Giao thông Bình Thuận; Công ty TNHH Phân bón Hữu cơ Greenfield; Công ty CP Chế biến Thủy Hải sản Kỳ Lân; CN Bình Thuận - Công ty TNHH INNOLUX Footwear Việt Nam; Công ty CP KTKS và SX VLXD Trung Nguyên; công ty CP Zirconium Titanium Hưng Thịnh; Công ty TNHH Đầu tư Tân Hà… Các đơn vị, doanh nghiệp nói trên đã được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Việc các doanh nghiệp nợ BHXH khiến NLĐ khi chuyển nơi làm việc hoặc cần chốt lại thời gian để được hưởng chế độ chính sách gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, NLĐ  cần chủ động cài đặt ứng dụng VssID – BHXH số để tự theo dõi quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN, chủ động có ý thức bảo vệ quyền lợi của chính mình, hạn chế rủi ro khi doanh nghiệp nợ, không đóng BHXH, BHYT.

Hiện tại các chế tài xử phạt chủ yếu là phạt hành chính, thu phạt theo số chậm đóng truy thu và chưa có văn bản hướng dẫn xử lý. Vì thế, ngành BHXH, chính quyền địa phương cần có cơ chế giám sát hoạt động của doanh nghiệp trong việc nộp tiền BHXH  qua đó có thể ngăn chặn từ sớm sự chậm trễ trong việc đóng tiền BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Mặt khác, cần có bộ phận chuyên trách có thẩm quyền trong việc xử lý công nợ BHXH khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, số nợ BHXH phức tạp…Ngoài ra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời đơn vị có dấu hiệu trốn đóng, chậm đóng BHXH.                                                        

 

 

H.Nhật