Học sinh- Sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế theo đúng quy định của Luật
07/11/2023 10:17 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên là chính sách an sinh xã hội nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, không vì mục đích lợi nhuận và được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người cùng tham gia BHYT.
Theo đó, việc thực hiện chính sách BHYT học sinh - sinh viên không chỉ đảm bảo cho các em được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu để yên tâm học tập, mà còn giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao. Tham gia BHYT, ngoài quyền lợi được quỹ BHYT chi trả lên tới 80% chi phí điều trị bệnh khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, học sinh - sinh viên còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) ngay tại trường học. Đây là một trong những ưu việt vượt trội, thể hiện ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chính sách BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Có thể nói, trong những năm qua, việc trích kinh phí CSSKBĐ đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động y tế trường học nhằm đảm bảo, chăm sóc tốt sức khỏe của các em học sinh- sinh viên. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 247.258 học sinh- sinh viên tham gia BHYT, đạt 99,8% tổng số học sinh- sinh viên, kinh phí CSSKBĐ được cơ quan BHXH trích chuyển hơn 6,1 tỷ đồng. Nhờ có thẻ BHYT, nhiều học sinh- sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên tới hàng tỷ đồng. Thời gian tới, trong bối cảnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gây rủi ro tới sức khỏe con người, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh - sinh viên thông qua chính sách BHYT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, năm học 2023-2024, công tác BHYT học sinh- sinh viên tiếp tục được BHXH tỉnh Bình Thuận triển khai quyết liệt với mục tiêu đạt 100% học sinh – sinh viên tham gia và được thụ hưởng chính sách BHYT.
Nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT được các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng để phục vụ chi: mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em học sinh - sinh viên khi bị tai nạn thương tích hoặc các trường hợp bệnh thông thường trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ CSSKBĐ, tủ tài liệu quản lý hồ sơ sức khỏe tại cơ sở giáo dục; mua văn phòng phẩm phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh trong công tác CSSKBĐ. Qua thực tiễn triển khai cho thấy, nguồn kinh phí này đã thực sự phát huy vai trò, hiệu quả trong việc không chỉ giúp y tế trường học kịp thời thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho học sinh - sinh viên theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục… mà còn giúp theo dõi, kiểm tra, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sức khỏe để dự phòng, điều trị, đảm bảo sức khỏe của các em trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều gia đình thắc mắc là gia đình có đông người, nếu học sinh - sinh viên tham gia BHYT theo diện hộ gia đình thì sẽ lợi hơn rất nhiều tham gia BHYT theo diện học sinh - sinh viên. Theo quy định hiện hành của Luật BHYT, học sinh - sinh viên không thể tham gia BHYT theo diện hộ gia đình. Tại Điều 12 Luật BHYT quy định có 5 nhóm tham gia BHYT. Nhóm thứ nhất là nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Nhóm thứ 2 là nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng, bao gồm: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhóm thứ 3 là nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm: Quân nhân, người làm công tác cơ yếu, học viên cơ yếu ở các trường quân đội, công an; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi…nhóm thứ tư là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh - sinh viên. Nhóm thứ 5 là nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ những người được đã thuộc 4 nhóm trên.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 13, Luật BHYT quy định: Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật BHYT thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật BHYT. Theo quy định này, đối với học sinh - sinh viên thuộc đối tượng tham gia BHYT có thứ tự sắp xếp thuộc nhóm thứ 4, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình có thứ tự sắp xếp thuộc nhóm thứ 5 từ trên xuống. Do đó, học sinh - sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác có thứ tự thuộc nhóm 1, 2, 3) thì sẽ tham gia BHYT tại nhà trường và không được tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Phương Danh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
BHXH Việt Nam: Công bố các quyết định về công tác cán bộ
BHXH tỉnh Bình Thuận: Đổi mới truyền thông để phủ rộng lưới ...
Nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền chính sách BHXH, ...
Tuyến y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y ...
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?