Kỷ niệm 11 năm Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11): Đổi mới tuyên truyền pháp luật có trọng tâm, sát thực tế
09/11/2023 09:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Đào – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận xung quanh công tác này.
Ông Đặng Văn Đào – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận.
Xin ông cho biết kết quả nổi bật trong triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Ông Đặng Văn Đào: Qua 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
Hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp đi vào nền nếp. Nội dung PBGDPL hàng năm bám sát kế hoạch của Trung ương, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Hình thức PBGDPL ngày càng được đổi mới, đa dạng hóa có hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị tập huấn bồi dưỡng pháp luật, biên soạn phát hành tài liệu; tuyên truyền PBGDPL trên các phương tiện thông tin, thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ, mô hình… trung bình hàng năm 42.250 tin, bài, tài liệu.
Đáng chú ý định kỳ hàng năm các sở, ngành có liên quan phối hợp triển khai nhiều chương trình, đề án về PBGDPL. Trong đó, Sở Tư pháp, cơ quan đầu mối, ngoài thực hiện nhiều chương trình, đề án còn phối hợp với các sở, ngành triển khai nhiều chương trình, đề án khác. Việc kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp được triển khai thường xuyên, nhất là những thời điểm có sự thay đổi về chức danh, vị trí công tác của các thành viên. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, đảm bảo số lượng theo yêu cầu và chất lượng ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện toàn tỉnh có 95 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 215 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.388 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.
Quá trình triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ, thưa ông?
Ông Đặng Văn Đào: Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng quá trình triển khai thực hiện Luật PBGDPL cũng có một số vướng mắc, bất cập. Cụ thể, hàng năm Quốc hội ban hành mới, sửa đổi, bổ sung rất nhiều văn bản luật cần phải tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh. Để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị,̣ địa phương, nhất là phải chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, trên thực tế việc chọn lựa đội ngũ này thực sự khó khăn, nhất là ở cấp cơ sở vì để hoàn thành công tác PBGDPL vừa phải có trình độ, kiến thức pháp luật nhất định, vừa phải có kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL thì mới hoàn thành tốt công tác PBGDPL.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí đảm bảo cho công tác PBGDPL còn hạn hẹp, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. PBGDPL cho nhóm các đối tượng đặc thù chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Trong khi việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác này rất khó.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tuy đã được quan tâm và chú trọng thực hiện nhưng còn chậm, thiếu chiều sâu, chưa đồng bộ, trước yêu cầu tiếp cận ngày càng cao của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tình hình mới.
Treo băng rôn tuyên truyền Ngày Pháp luật Việt Nam
Để công tác phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng phát huy hiệu quả, theo ông cần có những giải pháp gì?
Ông Đặng Văn Đào: Để công tác PBGDPL ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, từng thành viên của Hội đồng PBGDPL nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện công tác PBGDPL trong phạm vi phụ trách tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức là thành viên Hội đồng trong triển khai công tác này.
Đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là ở các địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chú trọng đào tạo, tập huấn chuyên sâu kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng làm công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, chú trọng hoạt động tự kiểm tra, sơ kết, tổng kết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. Kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả; khen thưởng tập thể, cá nhân tích cực tham gia hoạt động của hội đồng, có nhiều đóng góp trong công tác PBGDPL. Cùng với đó phải có chính sách, giải pháp cụ thể khuyến khích đa dạng hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động PBGDPL, đặc biệt là các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, các luật sư, luật gia…
Năm 2023 là năm thứ 11 hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), vậy hoạt động này ở Bình Thuận đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Văn Đào: 11 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng hiệu quả, lựa chọn các hoạt động quan trọng làm điểm nhấn như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên Báo, Đài Truyền hình, Trang thông tin điện tử, loa truyền thanh cơ sở; biên soạn và phát hành các loại tài liệu; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật trực tiếp; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành pháp luật gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào xây dựng nông thôn mới tại cộng đồng dân cư; tổ chức lồng ghép hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Năm 2023, Sở Tư pháp cũng đã xây dựng nhiều phóng sự, tọa đàm tuyên truyền các mô hình hay, sáng tạo; tăng cường truyền thông về Ngày Pháp luật Việt Nam bằng trực quan, treo băng rôn, khẩu hiệu. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới, trong đó chú trọng hướng về người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn…
Đối với công tác PBGDPL, Ngày Pháp luật Việt Nam cũng là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác này. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL - một bộ phận của công tác giáo dục tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật là phương tiện, công cụ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội.
Xin chân thành cảm ơn ông!
baobinhthuan.com.vn
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tổng kết Cụm thi đua BHXH cấp huyện năm 2024
Thông báo thời điểm được thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, ...
Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024 và triển ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận 30 năm xây dựng và phát ...
Kết quả công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực thi ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?