Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác Bảo hiểm y tế Học sinh - Sinh viên

17/11/2023 03:44 PM


Theo quy định của Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015, bảo hiểm y tế (BHYT) trở thành bắt buộc đối với học sinh, sinh viên. Thế nhưng trên thực tế thì tỷ lệ tham gia hàng năm của học sinh, sinh viên vẫn đang còn ở mức thấp và các trường học cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu BHYT học sinh, sinh viên.

      Trong thực tế nhờ có tấm thẻ BHYT mà có không ít gia đình khó khăn, không may con bị bệnh đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị bệnh, vượt qua cơn hiểm nghèo. Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ tâm sự: “Mọi thứ có thể thiếu nhưng BHYT cho 02 con tôi là học sinh thì gia đình tôi không năm nào không tham gia. Việc tham gia BHYT là phòng ngừa không may con mình bị đau ốm, tai nạn”. Tham gia BHYT không những được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh khi ốm đau đem lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình và bản thân các em mà còn mang lại lợi ích thiết thực đối với cả xã hội, góp phần san sẻ rủi ro của mọi người trong cộng đồng, là giải pháp hữu hiệu để mọi người vượt qua bệnh tật.

          Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường, đội ngũ giáo viên trong việc tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT là rất quan trọng. Tại một số trường học sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường về BHYT học sinh, sinh viên chưa thật sự sát sao. Vẫn còn tình trạng Ban giám hiệu nhà trường cho rằng, BHYT học sinh, sinh viên là tự nguyện hoặc đánh đồng với các sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại khác. Công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT chưa thực sự đi vào chiều sâu, theo từng chủ đề và theo nhóm người để phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT theo luật định.

        Nếu nhìn ở thời điểm hiện tại BHYT học sinh, sinh viên là nguồn hỗ trợ tài chính khi học sinh, sinh viên bị ốm đau, bệnh tật, nhưng nhìn xa hơn thì đấy chính là công tác chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Để chính sách BHYT cho học sinh, sinh viên thật sự phát huy hiệu quả, cần có sự chỉ đạo đồng bộ từ nhà trường đến các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương đến các đoàn thể. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào, cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao thì ở nơi đó tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT nhiều hơn. Muốn học sinh, sinh viên và cha mẹ các em được tuyên truyền một cách hiệu quả nhất về chính sách BHYT cần phải thông qua nhà trường. Hoạt động y tế nhà trường hiệu quả cũng là cách thúc đẩy học sinh tham gia BHYT.

Mới đây, tại một trường Trung học cơ sở ở Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng nhà trường đã có một bức thư ngõ về BHYT học sinh đã làm nức lòng người dân cả nước, với tấm lòng nhiệt huyết vì học sinh thân yêu mà thầy Hiệu trưởng đã có những cử chỉ và hành động cao đẹp, có lẽ đây là món quà quý giá mà Thầy Hiệu trưởng muốn tặng cho chính bản thân mình nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam ( 20/11).

      BHYT học sinh, sinh viên là một chính sách xã hội lớn mang đến nhiều lợi ích cho người tham gia, BHYT thực sự trở nên cần thiết và quan trọng đối với môi trường học đường. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan nên có nhiều giải pháp khả thi hơn nữa nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT tại các trường học, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, tác động vào nhận thức của các bậc phụ huynh, có như thế mới tạo được niềm tin để phụ huynh tham gia BHYT cho con em mình./.                                                                                           

Minh Thông