Chính sách BHYT đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
06/06/2024 02:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách an sinh xã hội nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau; thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sức khỏe nhân dân; tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế.
Khám nội soi tai cho bệnh nhân BHYT
Với ý nghĩa đó những năm qua, nhất là từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về “đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”, việc mở rộng người tham gia BHYT luôn là mục tiêu quan trọng được ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách BHYT từng bước được tăng cường, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các địa phương. Các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức các hội nghị đánh giá công tác phát triển người tham gia BHYT để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những giải pháp thực hiện hiệu quả. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện BHYT qua các phong trào: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Chung tay vì người nghèo, không ai bỏ lại phía sau” và “Cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT”…nên công tác triển khai thực hiện chính sách BHYT của Bình Thuận hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Nếu năm 2014, toàn tỉnh có 690.485 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm 57,48% dân số; năm 2019 có 991.014 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm 96,17% dân số thì đến năm 2023, toàn tỉnh có 1.141.761 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm 92,28% dân số, đạt và vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao.
Có được kết quả nói trên, trước hết là do BHXH tỉnh Bình Thuận đã chủ động phối hợp với sở, ngành triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều loại hình phù hợp như: Mở hội nghị tuyên truyền, đối thoại; thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội để chuyển tải chính sách BHYT. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình trao tặng thẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn; nhiều chương trình đã lan tỏa rộng trong cộng đồng dân cư. Do vậy, nhận thức của người dân về BHYT đúng đắn và sâu sắc hơn. Hệ thống BHYT từng bước được xây dựng hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các chính sách, chế độ BHYT được triển khai đầy đủ, kịp thời. Công tác cải cách thủ tục hành chính triển khai hiệu quả giúp nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng cho người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên, liên tục nhất là khu vực miền núi, vùng sâu. Người tham gia BHYT chưa thật sự bền vững. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT còn khá phổ biến và kéo dài ở một số doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; một số cơ sở giáo dục vẫn chưa thực hiện quyết liệt để đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, nhất là các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.
Để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân (năm 2024 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,55%; năm 2025 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95% dân số) trong thời gian tới, các cấp các ngành tiếp tục thực hiện Chỉ thị 38 CT/TW về “đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW. Giải quyết đầy đủ, kịp thời chính sách cho người tham gia BHYT; ngăn ngừa hành vi trục lợi BHYT; đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn nguồn quỹ KCB BHYT. Đẩy mạnh công tác phát triển người tham gia BHYT, tập trung vào các nhóm đối tượng có nhiều người chưa tham gia BHYT. Tiếp tục hỗ trợ từ ngân sách địa phương, các mạnh thường quân cho nhóm hộ cận nghèo, hộ sản xuất nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nhóm người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, nâng mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 30% lên 50%. Mặt khác, kiến nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 70% lên 100% đối với đồng bào dân tộc thiểu số (theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ).
Có thể nói, chính sách BHYT thực sự đã đi vào cuộc sống của cộng đồng. Đặc biệt Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư là chủ trương lớn của Đảng, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân Bình Thuận trong việc thực hiện chính sách BHYT nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung. Sau 15 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.
HỒ NHẬT
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tổng kết Cụm thi đua BHXH cấp huyện năm 2024
Thông báo thời điểm được thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, ...
Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024 và triển ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận 30 năm xây dựng và phát ...
Kết quả công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực thi ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?