Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển BHYT học sinh, sinh viên
04/09/2019 04:54 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện cả nước có khoảng 17 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 94,2%, trong đó có 12,4 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và 4,6 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng như người nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công và thân nhân công an, quân nhân, quân đội, cơ yếu…
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Hơn 4,7 triệu lượt HSSV khám chữa bệnh BHYT
Thời gian qua, công tác BHYT HSSV luôn nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. BHXH các tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai BHYT HSSV và đã đạt được kết quả quan trọng, số lượng HSSV tham gia BHYT hàng năm đều tăng.
Từ năm 2016-2018, việc tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV đã được triển khai quyết liệt. Trong đó, ngay sau khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT có hiệu lực thi hành, BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHYT cho các đối tượng có liên quan và các văn bản cá biệt để hướng dẫn thực hiện đối với từng nội dung cụ thể.
BHXH cấp tỉnh và cấp huyện cũng đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với ngành giáo dục cùng cấp, ban hành Kế hoạch phối hợp, thành lập Ban chỉ đạo, ban hành Công văn liên ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể tới các trường học trên địa bàn, tổ chức sơ kết, đánh giá đề ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Chính vì vậy, năm học 2018-2019, có trường học đã đạt tỉ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 20/8/2019, tại các cơ sở KCB đã tổ chức khám bệnh BHYT cho hơn 4,7 triệu lượt HSSV (hơn 3,4 triệu ngày điều trị) với tổng số chi phí 1.781 tỷ đồng, trong đó BHYT thanh toán là 1.422 tỷ đồng.
Các trường hợp HSSV được Quỹ KCB BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú lớn từ 100 triệu đồng trở lên, tính từ ngày 01/7 đến 31/7/2019 là 512 lượt thẻ học sinh. Trong đó, 499 lượt KCB được thanh toán chi phí từ 100 - 500 triệu đồng/đợt điều trị; 13 lượt KCB được thanh toán chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị; có 2 bệnh nhân được BHYT thanh toán chi phí KCB trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.
Nỗ lực vượt khó
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách BHYT HSSV, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Luật BHYT quy định BHYT HSSV là hình thức bắt buộc, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV khi không tham gia BHYT. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương. Điều kiện hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ gia đình có con em là HSSV còn khó khăn, không có tiền mua BHYT.
Nhóm đối tượng HSSV, đặc biệt là SV các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT (chủ yếu chỉ tham gia năm thứ nhất) do nhận thức của một bộ phận HSSV cho rằng họ ít ốm đau nên không tham gia BHYT. Mặt khác, HSSV là người dân tộc thiểu số mới thoát khỏi vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ và một số HSSV thuộc đối tượng mới thoát nghèo, cận nghèo nên không được ngân sách đóng toàn bộ vì vậy số tiền tự đóng BHYT cao hơn.
Nhiều hộ gia đình tuy không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo nhưng khó khăn trong tham gia BHYT do thu nhập không ổn định nhưng đầu năm học phải đóng nhiều khoản thu theo yêu cầu của nhà trường ngoài việc đóng BHYT như học phí, trang phục, sách vở…
Bên cạnh đó, mức đóng BHYT HSSV hàng năm tăng do mức lương cơ sở điều chỉnh tăng cũng là rào cản đối với những gia đình còn khó khăn, đông con đi học. Đồng thời, hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV ở một số nhà trường còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận HSSV chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia BHYT. Hoạt động y tế tại các trường học đạt hiệu quả chưa cao, hầu hết các trường chưa có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có đủ điều kiện theo quy định để được trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để chính sách BHYT HSSV thực sự phát huy hiệu quả, phấn đấu đạt 100% HSSV tham gia BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT trong các trường học; giao chỉ tiêu tỉ lệ tham gia BHYT của HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỉ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV, đảm bảo đến hết năm học 2019-2020 đạt 100% HSSV tham gia BHYT.
Phối hợp với Sở GD-ĐT và các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, HSSV và các bậc phụ huynh. Phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, đối thoại trực tiếp, tuyên truyền trực quan, phát hành ấn phẩm tại các buổi sinh hoạt thường kỳ của tổ chức Đoàn, Hội, góp phần làm chuyển biến và nâng cao hiểu biết của sinh viên về tính ưu việt của chính sách BHYT.
Thực hiện thu BHYT HSSV đảm bảo theo đúng quy định, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu BHYT HSSV của những tháng còn lại năm 2019. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2019; cơ sở giáo dục thu tiền đóng của HSSV theo phương thức linh hoạt 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu BHYT một lần năm 2020 nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.
Với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, BHXH Việt Nam đề nghị tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo hơn nữa việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng trên địa bàn. Không khen thưởng đối với các nhà trường nếu chưa hoàn thành tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. Huy động nguồn kinh phí thuộc ngân sách địa phương, nguồn tài trợ để hỗ trợ HSSV tham gia BHYT ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Với cơ quan BHXH các cấp, tăng cường phối hợp cơ sở giáo dục hướng dẫn HSSV cách thức tra cứu mã số BHXH, trường hợp tra cứu không tìm thấy mã số BHXH thì nhà BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế cần nghiên cứu để nâng mức hỗ trợ đóng từ 30% đến 50%; đơn giản hóa thủ tục KCB BHYT nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB; kiểm tra giám sát và có chế tài xử lý đối với trường hợp cơ sở KCB thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế, chi phí thuộc phạm vi thanh toán BHYT và hạn chế thu thêm các chi phí ngoài phạm vi thanh toán BHYT…/.
PV
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?