Giải pháp nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN
16/12/2019 03:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH. Các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và doanh nghiệp đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện chính sách, chế độ BHXH, đăc biệt là cơ quan BHXH tỉnh đã và đang tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả, số doanh nghiệp và số người tham gia BHXH tăng nhanh qua các năm; ngày càng có nhiều người lao động thừa hưởng chính sách BHXH, BHYT, ổn định phát triển kinh tế gia đình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay việc tham gia BHXH của doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) (DNNQD là hình thức doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh, doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã) còn rất hạn chế, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Tình hình trên đã ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động. Ban Biên tập đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Bình Thuận để tìm hiểu về “Giải pháp nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DNNQD trong việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN”
Thưa ông, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn còn nhiều DNNQD chưa tham gia BHXH theo quy định, tình trạng DNNQD có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc tham gia BHXH vẫn còn diễn ra khá phổ biến và nợ BHXH diễn ra ngày càng phức tạp… làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; ông có thể cho biết một số số liệu cụ thể và nguyên nhân là gì thưa ông?
Tình trạng DNNQD có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc tham gia BHXH vẫn còn diễn ra khá phổ biến, chủ yếu là tình trạng trốn đóng về lao động hoặc trốn đóng với hình thức ký hợp đồng lao động với mức lương thấp hơn thu nhập; tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp khác nhau không phải đóng BHXH nhằm giảm mức lương trên hợp đồng với người lao động để giảm mức đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.500 DNNQD/26.000 lao động tham gia BHXH, chiếm khoảng ½ DNNQD hiện có, có quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan Thuế. Như vậy, còn khoảng 1.500 DN/10.000 lao động chưa tham gia BHXH, chủ yếu là các DN nhỏ, sử dụng lao động ít, từ 01 đến 5 lao động.
Tình trạng nợ BHXH là vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý quỹ BHXH. Hiện nay, nợ BHXH diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều hình thức như: Trốn đóng, đóng chậm, nợ thời gian dài (chây ì) với số tiền lớn; đơn vị nợ BHXH nhưng mất khả năng thanh toán (Hàng tháng, có hàng 100 DNNQD để nợ tiền BHXH ; số tiền nợ BHXH của khối DN này thường chiếm khoản 2/3 tổng số nợ BHXH toàn tỉnh); nhiều đơn vị nợ BHXH đã được cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ… dẫn đến cơ quan BHXH khó thu hồi được nợ BHXH và làm ảnh hưởng đến quyến lợi của người lao động và kết quả triển khai thực hiện chế độ, chính sách trên địa bàn.
BHXH tỉnh tổ chức tuyên truyền tại đơn vị sử dụng lao động
Như vậy thì nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn đó là gì? Thưa ông.
* Về cơ chế, chính sách: Luật BHXH, Luật BHYT, Luật việc làm quy định đối tượng tham gia chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện; doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, như: Luật BHXH quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động có ký kết hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên. Trong khi Luật BHYT, Luật Việc làm quy định đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, BHTN là người lao động có ký kết hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lách luật bằng cách hợp đồng khoán việc, hợp đồng lao động dưới 12 tháng… để trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động, hoặc chỉ hợp đồng và đóng BHXH cho lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên.
* Về tổ chức thực hiện:
Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn.
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến các quan hệ lao động, trong đó có BHXH (DNNQD chủ yếu là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, việc chấp hành pháp luật nói chung và Luật BHXH nói riêng phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của chủ doanh nghiệp; người lao động yếu thế, không thể đòi hỏi quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN) hoặc DNNQD hiểu nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia BHXH cho người lao động, nhưng do điều kiện khó khăn họ không có khả năng tham gia hoặc tham gia BHXH không đầy đủ; đa số ở các doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH tổ chức công đoàn vừa thiếu lại vừa yếu, thậm chí có nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn để thực hiện vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động; vẫn còn nhiều doanh nghiệp tham gia BHXH chưa hài lòng về chất lượng trong KCB BHYT.
Nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của một bộ phận không nhỏ người lao động đối với chính sách BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế
Việc phối hợp của các ngành chức năng trong thực hiện thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách pháp luật về BHXH tại các DNNQD chưa được thường xuyên và chưa nhiều, để kịp thời phát hiện sai sót để vận động tham gia BHXH cho người lao động hoặc áp dụng chế tài xử phạt răn đe; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH cụ thể, nghiêm minh nhưng việc áp dụng còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe.
Công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp nói chung và DNNQD quy mô nhỏ nói riêng chưa được thực hiện đầy đủ nên nhiều doanh nghiệp ý thức pháp luật còn kém. Công tác tuyên truyền về chính sách BHXH chưa được thường xuyên và đi vào chiều sâu.
Để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DNNQD về việc tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thì cần có những giải pháp gì thưa ông?
* Thứ nhất là về cơ chế chính sách: Cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để tạo điều kiện cho DNNQD tự nguyện chấp hành pháp luật, tham gia BHXH cho người lao động ; Tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục và giao thẩm quyền quyết định thực hiện việc trích chuyển tiền từ tài khoản của doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH vào quỹ BHXH cho cơ quan BHXH để quy định này trong luật có tính khả thi.
* Thứ hai là về tổ chức thực hiện : UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trên địa bàn về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động được tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ; UBND huyện chỉ đạo UBND xã phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về DN và lao động, cơ quan BHXH… rà soát các doanh nghiệp để đưa vào quản lý chặt chẽ và khai thác đối tượng tham gia BHXH theo quy định; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với BHXH tỉnh và các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN tại các DNNQD; Cơ quan BHXH rà soát, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH; chủ động, tích cực trong công tác phối hợp với các Sở, ngành chức năng ở địa phương, phát huy chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH tại các DNNQD; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, thường xuyên quy trình rà soát, khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam; tích cực đôn đốc và thực hiện các nghiệp vụ thu hồi nợ đọng, tiền đóng BHXH của DNNQD nhằm đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người lao động; BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký kết, đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung phối hợp nhằm tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ về thuế và BHXH. Trong đó, cơ quan Thuế kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan BHXH về số người, địa điểm của đơn vị sử dụng lao động mới hoạt động, hoặc trốn đóng BHXH để cơ quan BHXH kịp thời có kế hoạch đôn đốc đơn vị tham gia BHXH cho người lao động. Hàng năm tiến hành rà soát quyết toán thuế của doanh nghiệp nếu phát hiện doanh nghiệp chưa đóng hoặc đóng BHXH thiếu số người đang trả lương và quyết toán thuế thì tiến hành phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm, buộc phải đóng BHXH, BHYT, BHTN đủ số người thuộc diện phải tham gia.
Thưa ông, để người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân hiểu đầy đủ hơn về quyền lợi, trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN là rất quan trọng, vậy ông có thể cho biết giải pháp cụ thể?
Để người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân hiểu đầy đủ hơn về quyền lợi, trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN là rất quan trọng, BHXH tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động rộng rãi trong nhân dân và tại các DNNQD về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và quy định của Bộ Luật Hình sự về các tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; từng bước làm chuyển biến và nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, cụ thể: In ấn các ấn phẩm tuyên truyền để cấp phát đến từng doanh nghiệp, trong các ấn phẩm cần nêu rõ quyền lợi, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và người lao động khi tham gia BHXH và chỉ rõ địa điểm tham gia BHXH…Định kỳ và cao điểm treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu công nghiệp, những vị trí đông người qua lại, khẩu hiệu đơn giản, dễ hiểu, tạo được ấn tượng, đi sâu vào tiềm thức người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn, đối thoại và cập nhật những chính sách mới của Luật BHXH, BHYT đối với doanh nghiệp nói chung và khối DNNQD. Công tác truyền thông phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ với các thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và cách thức tham gia.
Thưa ông, trước thực trạng tình hình tham gia BHXH của DNNQD trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay, ông có đề xuất và kiến nghị gì không ?
Để góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH của DNNQD trên địa bàn tỉnh, ngành BHXH cũng đã có có nhiều đề xuất và kiến nghị như sau:
- Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương và UBND các huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói chung và phát triển đối tượng DNNQD tham gia BHXH theo quy định đạt hiệu quả cao; thực hiện tốt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN đã được UBND tỉnh giao;
- Đề nghị Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, UBND các huyện:
+ Hội đồng nhân dân các cấp: Tăng cường thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn;
- UBND các cấp:
+ Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; giao trách nhiệm cho từng thành viên trong ban chỉ đạo và gắn trách nhiệm với kết quả đạt được trên công việc, nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ đạo thường xuyên báo cáo Cấp ủy Đảng, chính quyền về tình hình và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, đảm bảo thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động.
+ Tăng cường chỉ đạo, tổ chức rà soát, nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra đề nghị DNNQD chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
+ Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Luật BHXH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và chỉ đạo các đơn vị, UBND xã triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.
+ Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn kịp thời báo cáo cấp trên xem xét giải quyết.
- Các Sở, ngành:
+ Sở Y tế chủ trì cùng BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội trong tỉnh thúc đẩy thực hiện lộ trình BHYT toàn dân thông qua các chương trình hoạt động phối hợp, chương trình liên tịch giữa các ngành với nhau; đầu tư nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở KCB BHYT.
+ Sở Lao động – Thương binh & Xã hội chỉ đạo các Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với DNNQD, nhất là trên lĩnh vực hợp đồng thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định.
+ Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Thuận tăng cường công tác hông tin, ttruyên truyền thực hiện Luật BHXH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật Việc làm… nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.
Đối với UBND các cấp và các sở, ngành thì như vậy, còn riêng cơ quan BXXH tỉnh là đơn vị trực tiếp quản lý công tác này thì có đề xuất cụ thể gì không? Thưa ông.
Đối với BHXH tỉnh: Tiếp tục phối hợp tốt với các sở, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với đối tượng là DNNQD; Chỉ đạo BHXH các huyện tăng cường phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH; kiểm tra, rà soát hồ sơ giải quyết hưởng chế độ BHXH; Đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho các bên tham gia BHXH; nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH; Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, cấp thẻ BHYT; quản lý tốt đối tượng đóng BHXH và Quỹ BHXH trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Phương Đông
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?