Ngành BHXH đồng hành cùng Chính phủ và Doanh nghiệp
18/03/2020 02:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nền kinh tế đất nước. Trước tình hình này, ngành BHXH đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp các DN ổn định sản xuất và bảo đảm quyền lợi chế độ chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ… Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã trao đổi với Báo BHXH về vấn đề này.
* PV: Thưa Phó Tổng Giám đốc, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay BHXH các địa phương đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Vậy BHXH Việt Nam đã có những chỉ đạo cụ thể như thế nào để tháo gỡ khó khăn, giúp các địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao?
- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:
Ngay từ đầu năm 2020, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Căn cứ vào đó, BHXH các địa phương phải chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền. Hơn ai hết Giám đốc BHXH địa phương phải nắm bắt các vấn đề trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế-xã hội, nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của địa phương để xây dựng các kịch bản.
Tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, Giám đốc BHXH địa phương phải tận dụng sức mạnh tập thể từ chính cơ sở mình và phải tham gia vào các cuộc đánh giá, báo cáo phân tích kinh tế-xã hội của địa phương, nhằm tham mưu cho Chủ tịch UBND để có những quyết sách sát nhất liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, nhằm thực thi tốt nhiệm vụ được giao. BHXH Việt Nam tập trung tham gia tháo gỡ khó khăn cho địa phương các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách cũng như những vấn đề thuộc trách nhiệm của Trung ương.
* Với mục tiêu tăng gấp đôi số người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2020, BHXH Việt Nam có những giải pháp gì nhằm đạt được con số này?
- Năm 2019, chúng ta đã đạt được kết quả tích cực trong phát triển BHXH tự nguyện, thể hiện sự quyết tâm trong triển khai Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH. Vì vậy, năm nay, toàn Ngành tiếp tục phấn đấu “vượt chính mình” với mục tiêu tăng thêm khoảng 600.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Làm được điều này, ngoài những giải pháp truyền thống, cũng đòi hỏi toàn Ngành phải có những giải pháp đột phá, nhất là cần sự chung sức chung lòng từ “trên xuống dưới”.
Cần phải khẳng định, để phát triển được đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, chúng ta phải bám sát cơ sở, đó là các trưởng thôn, trưởng xóm, bí thư chi bộ… để nắm bắt tình hình dân cư trên địa bàn. Thậm chí, phải bám sát công an xã, công an khu vực, bởi lực lượng này nắm rất chắc tình hình dân cư, biết hoàn cảnh từng gia đình và cũng làm công tác dân vận rất tốt. Đặc biệt, phải truyền thông làm sao để người dân tin tưởng vào chính sách, để nhận thức được “văn hóa tham gia BHXH, BHYT” là trách nhiệm của bản thân mỗi người. Chỉ khi dân hiểu và tin tưởng, thì mới trở thành thói quen, nếp văn hóa trong tham gia BHXH, BHYT.
* Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có giao BHXH Việt Nam xem xét có thể tạm dừng đóng BHXH 6 đến 12 tháng cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vậy BHXH Việt Nam đã thực hiện chỉ thị này như thế nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?
- Đặc thù của ngành BHXH có nguy cơ lây nhiễm cao, như thường xuyên phải tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa”, Trung tâm Hành chính công các cấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân BHYT… Do vậy, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 820/BHXH-VP (trước đó đã có Công văn số 320/BHXH-VP ngày 6/2/2020) gửi các đơn vị, BHXH các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp chống dịch. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế cũng như của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, khẩn trương thực hiện một số biện pháp khẩn cấp tại cơ quan, đơn vị như: Không tập trung đông người; rà soát, cân nhắc chỉ tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thật sự cần thiết (kể cả hình thức trực tuyến); tạm thời không tổ chức các đoàn công tác nước ngoài; yêu cầu CCVC đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và sát trùng tay khi đến cơ quan làm việc…
Đặc biệt, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho NLĐ. Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh trở lên hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4, Điều 16 Nghị định 11/2015/NĐ-CP và Điều 28 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của DN và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020, dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu DN có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu DN không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hàng tháng đôn đốc DN đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ TNLĐ-BNN, quỹ BHYT và BH thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), kịp thời thông báo và đôn đốc DN đóng đầy đủ các quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ- BNN, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó. BHXH các địa phương cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tránh lạm dụng, trục lợi...
Với trách nhiệm của mình, BHXH Việt Nam cũng như BHXH các địa phương phải bám sát tình hình tại các DN. Nếu có sụt giảm lao động do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 thì BHXH các địa phương phải kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh theo Nghị định 115, để có thể dừng khoản đóng góp vào quỹ hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên, các khoản đóng cho các chế độ ngắn hạn vẫn phải đóng nộp đầy đủ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Đây là cơ chế hỗ trợ theo quy định của luật nhưng cũng giúp DN giữ được số lao động và lấy tiền vốn đó để xử lý những khó khăn trước mắt…
Để làm được điều này, đòi hỏi Giám đốc BHXH các địa phương phải bám sát tình hình tại địa phương cũng như của DN, nhất là phải chủ động phối hợp liên ngành để đánh giá thực trạng của từng ngành nghề bị tác động, kiên quyết không để ai lợi dụng dịch bệnh cũng như lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi. Chính lãnh đạo BHXH các địa phương phải là người hiểu pháp luật, đánh giá tình hình để đưa ra những nhận định và đưa ra những quyết sách ở địa phương, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho DN và NLĐ. Ban Thu có trách nhiệm nắm bắt tình hình, nếu có kiến nghị, đề xuất sẽ trực tiếp trao đổi, thống nhất với lãnh đạo địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
* Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
Vũ Thu
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?