Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục
28/04/2020 07:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Người lao động tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục trở lên sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi.
BHYT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh. Theo Luật BHYT, quyền lợi người tham gia BHYT được hưởng 100%, 95% và 80% chi phí khám, chữa bệnh. Một số đối tượng được hưởng 100% chi phí như: Người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạnh. Đối tượng được hưởng 80% chi phí KCB như: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, hộ gia đình, học sinh, sinh viên…
Tuy nhiên, với những ai đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, quyền lợi của họ của được nâng lên rất nhiều.
Cụ thể khoản 15 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 có nêu, người bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng nếu có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
Cụ thể, khi tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến), người dân sẽ được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" để được hưởng ngay 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo.
Khi được cấp giấy chứng nhận này, người dân sẽ không phải thanh toán phần cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám, chữa bệnh (hiện nay, khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, hầu hết người bệnh chỉ được thanh toán 95% hoặc 80% chi phí trong phạm vi được hưởng).
Để hiểu được “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” là gì? Người tham gia nên hiểu về nguyên tắc "cùng chi trả tiền khám chữa bệnh". Có nghĩa là BHXH sẽ tiến hành chi trả một phần và người khám chữa bệnh cũng sẽ phải chi trả một phần.
Như vậy, để được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" người khám chữa bệnh cần phải thỏa mãn 2 điều kiện:
- Đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên.
- Có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Từ nay đến ngày 30/6/2020, lương cơ sở áp dụng mức 1,49 triệu đồng/tháng thì số tiền cùng chi trả phải lớn hơn 6 x 1,49 triệu đồng = 8,94 triệu đồng.
Từ ngày 01/7/2020, lương cơ sở áp dụng mức 1,6 triệu đồng/tháng thì số tiền cùng chi trả phải lớn hơn 6 x 1,6 triệu đồng = 9,6 triệu đồng.
Khi đã được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" thì người tham gia BHYT sẽ không cần tiếp tục áp dụng cùng BHXH chi trả chi phí khám chữa bệnh đến hết năm dương lịch.
Ví dụ: Trường hợp người lao động tiến hành chụp Pet/CT (chi phí hiện nay khoảng 20 triệu đồng) sẽ phải cùng chi trả 20% chi phí chụp Pet/CT tương ứng với 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu người lao động đã được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" thì người lao động sẽ không phải cùng chi trả 4 triệu đồng này nữa.
Theo quy định, người có đủ điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm:
- Thẻ BHYT.
- Giấy tờ tùy thân có ảnh (bản sao).
- Hóa đơn, chứng từ thanh toán viện phí (bản chính).
Sau khi có đủ các giấy tờ này, người bệnh nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi tham gia BHYT để được giải quyết.
Được biết trong năm 2019, BHXH tỉnh Bình Thuận đã cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" cho 107 trường hợp./.
NT
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?