Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
07/08/2020 09:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BTO- Thực hiện bao phủ BHYT toàn dân là mục tiêu được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bình Thuận 90% dân số có thẻ BHYT. Đây là một khó khăn, thách thức không nhỏ. Bởi lẽ, tình hình dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm rộng ảnh hưởng lớn đến các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh. Báo Bình Thuận điện tử có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó giám đốc BHXH tỉnh và ông Trần Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH tỉnh xung quanh những kết quả và giải pháp thực hiện công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT.
Thưa ông, toàn tỉnh đến nay có bao nhiêu người tham gia BHYT, so với dân số thì đạt tỷ lệ bao phủ bao nhiêu?
Tính đến 30/6/2020, số người tham gia BHYT là 991.933 người, đạt 94,8% kế hoạch; tăng 31.213 người, tương ứng tăng 3,3% so với cùng kỳ 2019; tăng 7.254 người, (tăng 0,7%) so với tháng 5/2020. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 85,7% dân số (bao gồm 70.646 người dân Bình Thuận làm việc, học tập ngoài tỉnh). Căn cứ theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao năm 2020 (tại QĐ 3409) thì số người tham gia BHYT đạt 88,9%.
Được biết, trong những tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh khai thác và phát triển số người tham gia BHYT gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Vậy, ông nói cụ thể những khó khăn đó là gì?
Trước hết là nhiều lao động nghỉ việc nên BHYT bắt buộc giảm (13.599 lao động nghỉ việc); người dân mất hoặc giảm thu nhập nên họ không đủ tiền tham gia BHYT hộ gia đình. Đến 30/6/2020 toàn tỉnh có 313.836 người tham gia BHYT hộ gia đình, chiếm 25,3% dân số; chiếm 63,9% so với số người thuộc diện vận động.
Thưa ông, phát triển đối tượng tham gia BHYT, nhất là đối tượng hộ gia đình, hộ gia đình cận nghèo thiếu bền vững. Vì sao?
Đối tượng hộ gia đình, hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT thiếu bền vững có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự quyết liệt. Qua rà soát, tổng hợp dữ liệu do Cục Thuế tỉnh cung cấp, nhận thấy tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT diễn ra ở hầu hết các địa phương, tập trung nhiều nhất ở thành phố Phan Thiết. Hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT tuy được mở rộng và được tập huấn, bồi dưỡng bổ sung kiến thức thường xuyên nhưng vẫn còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp.Một số cơ sở y tế chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế … nên ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền và thu hút người dân tham gia BHYT. Nhận thức của một số đơn vị và một số bộ phận người dân chưa đúng, chưa đầy đủ, còn coi việc thực hiện chính sách BHYT là trách nhiệm của Nhà nước nên có thái độ ỷ lại, trông chờ, không chủ động, tích cực tham gia. Mặt khác, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng (người thuộc HGĐ cận nghèo, HSSV và HGĐ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp) còn thấp nên chưa tạo lực hút với đối tượng.
Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức đóng BHYT của các thành viên trong hộ gia đình có gì mới so với trước? Mức hưởng của thành viên hộ gia đình được quy định như thế nào khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh?
Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/12/2018quy định mức đóng và mức hưởng BHYT của các thành viên trong hộ gia đình. Đối với việc tham gia BHYT hộ gia đình, Nghị định đã điều chỉnh: Không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm; thực hiện giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia trong năm tài chính. Quy định này thuận lợi cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình, góp phần mở rộng đối tượng BHYT. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định thêm các nhóm tham gia theo hình thức hộ gia đình: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội...Mức hưởng khi tham gia BHYT được quy định như sau:
- Hưởng 100% chi phí KCB cho các trường hợp:
+ Chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (223.500 đồng)
+ Khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh;
+ Khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, (trừ khi tự đi KCB vượt tuyến) tương đương 8.940.000 đồng.
- Hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh nếu đi KCB đúng tuyến.
+ Đối với KCB trong tỉnh: Đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm y tế huyện thì được KCB tại TYT xã, PKĐK KV hay TTYT trong tỉnh không cần chuyển tuyến (thông tuyến). KCB tại BV tuyến tỉnh (BV tỉnh, BV Lagi, BV phía Nam, BV Bắc Bình Thuận, BV An Phước và các BV chuyên khoa) phải có giấy chuyển tuyến (trừ cấp cứu) nếu không có giấy chuyển tuyến thì coi như trái tuyến, hưởng 60% chi phí khi điều trị nội trú.
+ Đối với KCB ngoài tỉnh: Đúng tuyến là khi có giấy chuyển tuyến (hưởng 80% chi phí KCB)
+ Không có giấy chuyển tuyến (trái tuyến), Tuyến huyện hưởng 100% chi phí KCB trong phạm vi mức hưởng; tuyến tỉnh 60% chi phí điều trị nội trú; tuyến Trung ương 40% chi phí điều trị nội trú.
Năm 2020, Chính phủ giao chỉ tiêu cho Bình Thuận đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 90% dân số. Đây là chỉ tiêu khá cao, cần khai thác mạnh trong các nhóm đối tượng, nhất là nhóm hộ gia đình. Vậy, ngành BHXH có giải pháp gì thưa ông?
Trước hết cơ quan BHXH, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định 2332/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn 2016-2020 cho các huyện, thị xã, thành phố.
Thứ hai là chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, đặc biệt là các huyện có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp dưới 86%, phải chủ động tham mưu UBND các huyện, thị xã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện BHYT tại địa phương
Thứ ba, tiếp tục tăng cường tuyên truyền về lợi ích của chính sách an sinh xã hội, chính sách BHYT, hướng dẫn cách thức, các thủ tục khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới Đại lý thu BHXH, BHYT.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHYT
Thứ năm, phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng KCB BHYT. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán chi phí KCB BHYT, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT có hiệu quả.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Phối hợp Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHYT, thực hiện quy chế chuyên môn, đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Xin cám ơn ông Đặng Minh Thông và ông Trần Ngọc Tuấn
LÊ THANH VÀ NGÔ TRÂM
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?