Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
17/09/2020 09:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là cơ quan thực hiện chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến nhiều cấp, ngành, đơn vị, người lao động. Đẩy mạnh việc cải cách hành chính (CCHC) mà vấn đề cốt lõi trong CCHC là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Đây là một yêu cầu cấp thiết góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Chính vì thế, thời gian qua công tác này được BHXH tỉnh chú trọng và thực hiện đạt hiệu quả cao. Hiện nay, BHXH tỉnh Bình Thuận (BHXH tỉnh) đang thực hiện 27 bộ quy trình TTHC theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008 về các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN được áp dụng cho BHXH tỉnh, BHXH huyện và tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Việc triển khai áp dụng đồng bộ từ BHXH huyện, thị xã đến BHXH tỉnh được giải quyết theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, mang đến sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch với cơ quan BHXH. Ông Lê Minh Tâm - Phó Chánh Văn phòng BHXH tỉnh cho biết: “Hiện nay, tất cả hồ sơ TTHC đều được thực hiện đúng theo Quyết định số 2192/QĐ-BHXH ngày 10/12/2019 của BHXH Việt Nam ban hành về Quy chế tổ chức và hoạt động của bộ tiếp nhận theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong ngành BHXH. Trên cơ sở ứng dụng phần mềm tiếp nhận hồ sơ TNHS 3.0 để theo dõi quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, đã hạn chế tối đa hồ sơ giải quyết chậm theo quy định; những hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết thì các phòng nghiệp vụ có phiếu hướng dẫn chi tiết, cụ thể để đối tượng chỉ bổ sung một lần là đủ hồ sơ; đồng thời kiên quyết xử lý trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, thực hiện không đúng quy trình, thủ tục và thời hạn giải quyết hồ sơ; có thư xin lỗi với tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, BHTN đối với các trường hợp giải quyết hồ sơ chậm trễ theo quy định”.
Một trong những giải pháp CCHC mà BHXH tỉnh thực hiện đạt hiệu quả đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) từ các phần mềm nghiệp vụ như: Tiếp nhận và trả kết quả TTHC, nghiệp vụ thu, cấp sổ, thẻ, xét duyệt chế độ ốm đau, thai sản, giám định BHYT... liên quan đến chính sách bảo hiểm đều được liên thông về cơ sở dữ liệu, giúp cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch thuận lợi, nhanh gọn, rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng trong mọi hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo quản lý chặt chẽ và thuận tiện tra cứu khi cần thiết.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN và nhận kết quả giải quyết thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Tính đến nay, đã có 3.047 đơn vị đăng ký giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn, chiếm tỷ lệ 95,4%. Đến cuối tháng 8/2020, số lượng hồ sơ đơn vị thực hiện giao dịch qua điện tử là 58.014/63.081 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 92%.
Người dân đang xem các TTHC được niêm yết tại Bộ phận “một cửa” BHXH tỉnh.
Song song với triển khai giao dịch điện tử, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC về BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động qua hệ thống bưu điện. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ đơn vị giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích chỉ chiếm tỷ lệ 7,8% trong tổng số hồ sơ đơn vị giao dịch, trong khi đó giao dịch qua điện tử chiếm 92%, giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa chỉ chiếm 0,2%; tổng số hồ sơ của đơn vị đã trả qua bưu điện là 47.571/47.602 hồ sơ, chiếm 99,9%. Việc sử dụng dịch vụ bưu chính công đã giúp cho đơn vị tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại và thuận lợi trong giao dịch hồ sơ.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 147 đơn vị sử dụng lao động chưa thực hiện giao dịch hồ sơ qua điện tử, chiếm tỷ lệ 4,6%, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Một số đơn vị mới thành lập chưa thực hiện giao dịch, một số doanh nghiệp nhỏ có ít lao động và ít phát sinh hồ sơ giao dịch trong thời gian dài nên không muốn thực hiện giao dịch điện tử… Song, để thực hiện có hiệu quả Chính phủ điện tử thì việc giao dịch hồ sơ điện tử là yêu cầu không thể thiếu trong công tác CCHC ở nhiều lĩnh vực nói chung và ngành BHXH nói riêng…Vì vậy, các đơn vị chưa thực hiện giao dịch điện tử ngay từ bây giờ cần trang bị những công cụ hỗ trợ cần thiết để đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cho người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong thực thi nhiệm vụ chính trị của mình; đơn giản hóa các TTHC, góp phần quan trọng vào chủ trương CCHC của Ngành và địa phương.
Trần Hiền
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?