Nghiên cứu ứng dụng CNTT trong công tác bồi dưỡng cán bộ BHXH
14/10/2020 07:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 13/10, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì Hội thảo “Ứng dụng CNTT trong tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Vụ Đào tạo, Bồi dưỡng CBCCVC (Bộ Nội vụ); Ban Giám hiệu Trường Cán bộ Thanh tra (Thanh tra Chính phủ); Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH và đại diện các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Trần Văn Điềm- Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH cho biết, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CBVC của Ngành; cung cấp các dịch vụ, tư vấn về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến lĩnh vực hoạt động của BHXH Việt Nam theo quy định của pháp luật. Hằng năm, trường thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo chuyên ngành cho các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Hiện nay, ngoài hình thức bồi dưỡng tập trung, trường luôn chú trọng ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các lớp bồi dưỡng cán bộ trong Ngành. Cụ thể: Từ năm 2019, trường đã tích cực triển khai hình thức bồi dưỡng trực tuyến (E-learning) và thu được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trường đang đề xuất triển khai hình thức bồi dưỡng thông qua ứng dụng hệ thống hội nghị truyền hình.
Với hình thức bồi dưỡng trực tuyến (E-learning), các bài giảng được ghi hình trước, được lưu trữ tại một máy chủ; được giảng viên hoặc quản trị viên đăng tải lên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. Học viên sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính bàn, laptop hay điện thoại thông minh truy cập vào hệ thống để theo dõi các bài giảng dưới định dạng video clip. Giảng viên và học viên có thể giao tiếp qua mạng với nhiều hình thức như gửi tin nhắn, tham gia diễn đàn trên hệ thống. Ngoài ra, hệ thống cũng cho phép các học viên trao đổi, thảo luận, làm bài thi, bài khảo sát trực tuyến từ xa mọi nơi, mọi lúc.
Với hình thức bồi dưỡng ứng dụng hội nghị truyền hình, giảng viên sẽ giảng dạy trực tiếp tại điểm cầu đặt tại Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH; các học viên sẽ tập trung tại các điểm cầu của BHXH tỉnh, thành phố và các BHXH huyện để nghe giảng, tham gia phát biểu, trao đổi và thảo luận. Mỗi điểm cầu cần có một cán bộ kỹ thuật thực hiện việc duy trì kết nối, đảm bảo vận hành hệ thống thông suốt. Việc khảo sát chất lượng lớp học, thông báo các nội dung liên quan có thể sử dụng các nền tảng đối thoại trực tuyến phổ biến như: Google, Zalo… hoặc hệ thống bồi dưỡng trực tuyến E-learning.
Qua thực tế triển khai, 2 hình thức bồi dưỡng trên đều đạt hiệu quả cao; tuy nhiên mỗi hình thức đều có một số hạn chế riêng như: Hình thức bồi dưỡng trực tuyến điện tử sẽ gặp khó khăn trong việc xác thực danh tính người sử dụng tài khoản đó có chính xác hay không; khả năng truyền đạt của giảng viên bị hạn chế, sự tương tác trao đổi giữa các bên chưa cao. Hình thức trực tuyến qua hội nghị truyền hình thì vẫn phải tổ chức ở các điểm cầu, có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ…
Vì vậy, để việc tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng có thể tận dụng và phát huy các ưu điểm của từng hình thức, khắc phục các hạn chế nêu trên, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH đề xuất BHXH Việt Nam cho phép thực hiện thí điểm các lớp học trực tuyến kết hợp cả 2 phương thức học trực tuyến điện tử (E-learning) và trực tuyến qua hội nghị truyền hình để nâng cao hơn chất lượng đào tạo qua mạng.
Theo đó, học trực tuyến điện tử sẽ sử dụng phương thức bồi dưỡng các chuyên đề có nội dung giới thiệu chung, lý thuyết; còn học qua hội nghị truyền hình sẽ bồi dưỡng các chuyên đề có nội dung thực hành, thảo luận cần tương tác giữa giảng viên và học viên. Hoặc thông qua hội nghị truyền hình để thảo luận, thực hành những chuyên đề đã được học trực tuyến qua điện tử (E-learning).
Tại chương trình, đại diện Vụ Đào tào, Bồi dưỡng CBCCVC (Bộ Nội vụ), Trường Cán bộ Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan, trong đó có cách thức tổ chức và quản lý học viên…
Ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, được ngành BHXH đặc biệt quan tâm thực hiện, nhằm đáp ứng các yêu cầu về tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới. Trong đó, việc ứng dụng CNTT vào các chương trình bồi dưỡng có ý nghĩa đặc biệt, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBVC của Ngành.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Vụ Tổ chức-Cán bộ cần phối hợp chặt chẽ với Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH, Trung tâm CNTT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai các hình thức học phù hợp với thực tế, tiết kiệm cho Ngành nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng các yếu tố liên quan về cơ sở hạ tầng, chất lượng đường truyền, đội ngũ giảng viên, tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Ngọc Anh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?