Cần có giải pháp hạn chế tác động khi thực hiện thông tuyến KCB tỉnh từ 1/1/2021
04/11/2020 09:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội, NSNN, đầu tư công, tài chính quốc gia…
Đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ trong năm 2020, song dưới góc độ cán bộ ngành Y, ĐB Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) cho biết, y tế cơ sở tại Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao là điểm sáng trên thế giới, vì có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đến tận xã, phường, thôn, bản. Trong giai đoạn vừa qua, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm, coi y tế cơ sở là nền tảng của ngành y tế và y tế cơ sở đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đến hết năm 2019, tỷ lệ trạm y tế có đủ điều kiện KCB BHYT đạt 92,6%; tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế là 91,9%. Y tế cơ sở đã phát huy vai trò trong phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nên đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19.
Tuy nhiên, y tế cơ sở còn nhiều hạn chế mà báo cáo chưa đề cập. Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, số lượng còn thiếu, việc đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế. Chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở chưa khuyến khích cán bộ công tác lâu dài và gắn bó với y tế cơ sở, đặc biệt là những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn. Nhiều địa phương cấp kinh phí chi thường xuyên cho các trạm y tế rất thấp (chỉ từ 10 đến 30 triệu/năm). Bên cạnh đó, việc giao tự chủ chi thường xuyên cho các trung tâm y tế huyện, mặc dù các trung tâm này thu không đủ chi nên rất khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tài chính cho việc đào tạo, giám sát các trạm y tế. Cùng với đó, nhiều trạm y tế được xây dựng đã lâu, xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị thiếu thốn, không được đầu tư.
ĐB Bùi Thu Hằng cũng cho biết, Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ BHYT năm 2019 cho thấy, số chi KCB BHYT chủ yếu tập trung ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, chiếm 65,6% tổng chi phí KCB BHYT, trong khi số lượt KCB chiếm 25,3%. Chi KCB BHYT rất thấp ở tuyến xã, chỉ chiếm 2,2% tổng số chi KCB BHYT năm 2019- tiếp tục giảm so với năm 2018. “Như vậy, tuyến xã là tuyến gần dân nhất nhưng người dân đến KCB BHYT chưa có dấu hiệu cải thiện nếu không có chính sách và giải pháp phù hợp”- ĐB Hằng khẳng định.
Trước những bất cập trên, ĐB Bùi Thu Hằng cho rằng, để nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở theo Nghị quyết số 20 của BCH Trung ương Đảng về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương chưa cân đối được ngân sách, đầu tư cho các cho y tế cơ sở. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Chỉ đạo các địa phương ưu tiên phân bổ ngân sách cho y tế và đảm bảo dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần xây dựng hệ thống chuyển tuyến hiệu quả, đảm bảo tăng cường KCB BHYT ngay tại tuyến y tế cơ sở, giảm tỷ lệ KCB tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đối với những bệnh thông thường. Tiếp tục đẩy mạnh việc luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên xuống tuyến dưới, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế cơ sở dưới nhiều hình thức. “Đặc biệt, Bộ Y tế có giải pháp kịp thời để hạn chế những tác động của việc thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT bắt đầu thực hiện thông tuyến tỉnh từ ngày 1/1/2021, có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải ở tuyến tỉnh và trống vắng ở y tế cơ sở”- ĐB Hằng nhấn mạnh.
N.Hà
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?