Tiên phong phục vụ người dân, doanh nghiệp
28/12/2020 09:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(tapchibaohiemxahoi.gov.vn) Đơn giản hóa các TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH Việt Nam. Do đó, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp xây dựng, tích hợp các dịch vụ công (DVC) của Ngành trên Cổng DVC Quốc gia. Phóng viên Tạp chí BHXH phỏng vấn ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) về vấn đề này.
* PV: Cổng DVC Quốc gia được xem là kênh giao tiếp điện tử hữu hiệu nhất giữa người dân, DN với cơ quan nhà nước. Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật sau hơn một năm vận hành Cổng?
- Ông Ngô Hải Phan: Những kết quả bước đầu của Cổng DVC Quốc gia cho thấy đây là con đường phù hợp, đúng đắn để đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thúc đẩy mối quan hệ số giữa Nhà nước và công dân, DN. Từ khi khai trương (9/12/2019) đến nay, Cổng DVC Quốc gia đã tích hợp trên 2.500/6.798 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 36,8%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 6,8%), với hơn 98 triệu lượt truy cập, trên 408.000 tài khoản đăng ký, hơn 27 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 698.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng.
Ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ)
So với tháng 3/2020, đến nay, số lượng tài khoản đăng ký tăng 5 lần; số lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ tăng 4,3 lần; số DVC trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng tăng 14,8 lần; số hồ sơ trực tuyến tăng hơn 45 lần. Trung bình mỗi ngày, Cổng tiếp nhận, xử lý 2.600 hồ sơ trực tuyến. Riêng số giao dịch thanh toán trực tuyến tăng 12,6 lần so với tháng 6/2020…
Trong thời gian chống dịch COVID-19, Cổng DVC Quốc gia góp phần cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ; người dân, DN không còn phải gặp trực tiếp cán bộ thi hành công vụ nên góp phần phòng chống dịch; đồng thời hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực khi thực thi nhiệm vụ. Cùng với đó, còn giúp giảm chi phí hành chính cũng như chi phí xã hội cho người dân, DN. Theo tính toán, tổng chi phí xã hội dự kiến tiết kiệm được khi thực hiện DVC trực tuyến lên tới trên 6.700 tỷ đồng/năm và con số này sẽ tiếp tục tăng cùng với số lượng DVC trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng.
* BHXH Việt Nam là đơn vị tiên phong trong việc đưa các DVC vào phục vụ người dân, DN. Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện DVC của BHXH Việt Nam?
- Thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn tích cực triển khai công tác CCHC, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN. Cụ thể, đã rà soát, sửa đổi, thay thế, đơn giản hóa TTHC và đến nay đã cắt giảm xuống còn 27 TTHC. Đồng thời, đã triển khai 19 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng DVC của Ngành (13 DVC mức độ 4 và 6 DVC mức độ 3).
Về triển khai trên Cổng DVC Quốc gia, ngay từ khi khai trương, BHXH Việt Nam đã chủ động chuẩn hóa, công khai 27/27 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và tích hợp, cung cấp một trong những DVC trực tuyến đầu tiên trên Cổng. Đến nay, đã có 15 DVC của Ngành và DVC liên thông với các bộ, ngành được cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia. Các DVC trực tuyến của BHXH Việt Nam được tái cấu trúc theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục nên chất lượng được nâng cao như: Cấp lại thẻ BHYT, đóng BHYT hộ gia đình, hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…
* Theo ông, những DVC của BHXH Việt Nam đã tạo điều kiện cho người dân, DN như thế nào?
- Đến nay, BHXH Việt Nam đã đồng bộ hơn 6 triệu hồ sơ phục vụ tra cứu, theo dõi, đánh giá việc thực hiện TTHC; đã tiếp nhận, giải quyết cấp lại 2.277 thẻ BHYT do hỏng, mất; tiếp nhận, xử lý 18.953 trường hợp tra cứu, thực hiện thanh toán trực tuyến qua Cổng, trong đó gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình cho 3.948 trường hợp, đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 1.586 trường hợp, tiếp nhận xử lý 899 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Phần lớn DVC của BHXH Việt Nam có số lượng đối tượng thực hiện lớn như: Dịch vụ đóng BHXH, BHYT hiện đang phục vụ 780.096 đơn vị SDLĐ với hơn 14,4 triệu NLĐ và 12,8 triệu thẻ BHYT của NLĐ… Việc chuyển từ phương thức thủ công, tiếp xúc trực tiếp như trước đây sang điện tử, trực tuyến mọi lúc, mọi nơi… đã giúp cắt giảm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại và hạn chế lây lan dịch bệnh.
Chẳng hạn, việc đóng BHXH, BHYT trước đây đều làm thủ công, phải chuẩn bị chứng từ, rồi đến ngân hàng, đại lý ủy nhiệm thu hoặc cơ quan BHXH để đóng. Tuy nhiên, với Cổng DVC Quốc gia, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp người dân, đơn vị SDLĐ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại nên ước tiết kiệm khoảng hơn 2.263 tỷ đồng/năm…
* Mới đây, BHXH Việt Nam ra mắt ứng dụng “VssID- Bảo hiểm xã hội số”. Ông đánh giá thế nào về vai trò của ứng dụng này trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
- Như đã chia sẻ, công tác cải cách TTHC của BHXH Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, được Chính phủ, các bộ, ngành, người dân và DN đánh giá cao. Trong đó, việc triển khai ứng dụng VssID được coi là bước đi quan trọng giúp BHXH Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thẻ BHYT và sổ BHXH điện tử; ứng dụng điện thoại thông minh trong thanh toán BHYT, BHXH cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Ngành... Qua đó, góp phần thực hiện những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Ứng dụng VssID còn góp phần quan trọng trong kết nối cơ quan BHXH với người dân, thể hiện tinh thần phục vụ của ngành BHXH Việt Nam, giúp người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận, hưởng thụ đầy đủ quyền lợi chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
* Theo ông, thời gian tới, BHXH Việt Nam cần tiếp tục cải cách TTHC và triển khai các DVC như thế nào để nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân, DN?
- Cùng với tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đạt được, BHXH Việt Nam không chỉ dừng lại ở cải cách TTHC mà cần đẩy mạnh cải cách toàn diện các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, an sinh xã hội của người dân. Trong đó, phấn đấu cắt giảm tối thiểu 20% các quy định đang là rào cản trong sản xuất kinh doanh, nhằm khơi thông các nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết TTHC. Đặc biệt, cần đẩy mạnh nâng cấp và tổ chức thực hiện DVC trực tuyến mức độ 4 trên cơ sở khai thác hiệu quả CSDL của Ngành, kết quả số hóa TTHC, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính và sự liên thông chia sẻ dữ liệu của nhiều cơ quan, đơn vị để bảo đảm việc thực hiện thuận lợi, giảm chồng chéo, lãng phí.
Thường xuyên đánh giá, nâng cao chất lượng phục vụ; thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn nữa số lượng hồ sơ trực tuyến và giá trị giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia so với tổng hồ sơ và giá trị thanh toán thực tế; phấn đấu 100% DN tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch điện tử.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Bích Thủy (Thực hiện)
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?