Sẽ thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa các thời kỳ
02/03/2021 08:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Hậu Giang, TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, cử tri đề nghị Nhà nước, các cấp, các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh tăng lương hưu cho cán bộ xã nghỉ hưu trước năm 2009; các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1993 mức lương thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Cũng theo kiến nghị, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, trong đó có người nghỉ hưu trước tháng 4/1993. Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương hưu qua các giai đoạn, cho thấy đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch về mức lương hưu của người hưởng lương hưu, khoảng 20% số người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức lương hưu dưới 2,5 triệu đồng/tháng, khoảng 57% số người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức lương hưu từ 2,5 triệu đồng/tháng đến dưới mức lương hưu bình quân, một bộ phận người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 còn nhiều khó khăn.
Đồng thời, việc điều chỉnh cùng tỷ lệ giữa những người có mức lương hưu thấp và người có mức lương cao, nên số tiền tuyệt đối tăng thêm là khác nhau, phát sinh chênh lệch về mức lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm điều chỉnh. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy định này và điều chỉnh theo hướng chỉ tăng lương cho cán bộ hưu trí có mức lương hưu dưới 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, CBCC về nghỉ hưu trước năm 1990 có mức lương rất thấp, cuộc sống rất khó khăn, nên đề nghị xem xét, điều chỉnh mức lương phù hợp…
Trước vấn đề cử tri kiến nghị, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Theo quy định của pháp luật BHXH, “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH”, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ cao hay thấp được tính trên cơ sở mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng BHXH và thời gian NLĐ đã đóng BHXH khi còn làm việc. Thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu thời gian qua, đời sống của người nghỉ hưu đã từng bước được cải thiện. Chính phủ cũng đã quan tâm hơn đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp và thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ.
Tuy nhiên, do chính sách tiền lương, chính sách cán bộ, chính sách BHXH ở nước ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn cải cách, thay đổi nên vẫn tồn tại chênh lệch nhất định trong lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ. Để khắc phục vấn đề này, tại Hội nghị lần thứ bảy, BCH Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, trong đó nêu rõ “lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của quỹ BHXH và NSNN; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”.
Triển khai Nghị quyết số 28 và Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Nguyệt Hà
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?