Bảo hiểm y tế - Đáp ứng sự hài lòng của người dân

14/04/2021 07:53 AM


Những ngày đầu năm 2021, gia đình bà Lê Thị Thảo, thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam đưa con đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Do vội vàng đưa con đi chữa bệnh nên bà Thảo quên không xin giấy chuyển tuyến, điều đó khiến bà và người nhà vô cùng lo lắng.

Tuy nhiên, khi được các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh giải thích rõ về việc thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định mới, bệnh nhân vẫn được BHYT chi trả chi phí như điều trị đúng tuyến nên bà Thảo và người thân đã yên tâm hơn. Bà Thảo chia sẻ: “Thẻ BHYT của con tôi  đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu là Trạm y tế xã Hàm Mỹ nhưng tôi đã đưa thẳng con xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị bệnh. Nếu như theo quy định cũ thì trường hợp này là KCB trái tuyến và chỉ được hưởng 60% chi phí chỉ khi nào có giấy chuyển tuyến mới được BHYT thanh toán đầy đủ. Nhưng nay được bác sĩ giải thích từ ngày 01/01/2021, Luật BHYT quy định trái tuyến vẫn hưởng được 100% chi phí, tôi rất phấn khởi. Vừa tiết kiệm được thời gian đi lại, còn kịp thời để bác sĩ chữa trị cho con mình, tôi cảm thấy rất tiện lợi”.

Gọi “thông tuyến” BHYT tuyến tỉnh là quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng theo đúng quy định cho người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước, riêng KCB ngoại trú thì bệnh nhân vẫn phải tự chi trả chi phí. Đây là tin vui với nhiều người dân, nhất là với những người ở vùng xâu, vùng xa, những trường hợp cần phải điều trị nội trú. Đang trông cháu ở TP. Phan Thiết, để thuận tiện bà Nguyễn Thị Sáu, Thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam đã vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh thay vì KCB ở Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hàm Thuận Nam. Tuy nhiên, khi điều trị nội trú ở bệnh viện tỉnh, bà vẫn được thanh toán 100% chi phí điều trị. Bà Sáu cho biết: “Tôi đang trông cháu ở thành phố Phan Thiết, nhưng vì ho, sốt, khó thở nên mới vào bệnh viện tỉnh điều trị. Địa chỉ KCB ghi trên thẻ BHYT của tôi là TTYT huyện Hàm Thuận Nam. Việc BHYT chi trả đầy đủ chi phí điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh như tôi là tôi thấy rất thuận tiện cho người dân. Nếu trước đây cần phải có giấy giới thiệu của TTYT huyện thì bây giờ bệnh nhân có thể đi thẳng đến các bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị mà vẫn được chi trả toàn bộ chi phí”.

Từ thời điểm 01/01/2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc, dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, huyện và không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới. Người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, vẫn được coi là điều trị đúng tuyến, quy định này chỉ áp dụng với điều trị nội trú và không áp dụng cho KCB ngoại trú. Đây cũng là điểm mới tạo nhiều thuận lợi cho người tham gia BHYT hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, khi “thông tuyến” BHYT tuyến tỉnh với điều trị nội trú, bệnh viện tuyến tỉnh có thể đối diện với nguy cơ quá tải, bởi tâm lý người dân muốn được điều trị tại tuyến trên. Đồng nghĩa với đó, các Bệnh viện tuyến huyện, TTYT tuyến huyện, thị xã, thành phố có thể bị giảm số lượng người bệnh đến điều trị nội trú.

Bác sĩ Cao Văn Đề - Phó Giám đốc TTYT Hàm Thuận Nam cho biết: Từ khi triển khai thông tuyến tỉnh BHYT cùng với ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, số lượng bệnh đến điều trị nội trú ở TTYT huyện Hàm Thuận Nam giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, 03 tháng đầu năm 2021, Trung tâm thực hiện tổng số 18.135 lượt khám bệnh (tăng 8,6% so với cùng kỳ); điều trị nội trú 1.141 lượt (giảm 11,8% so với cùng kỳ) và công suất sử dụng giường bệnh đạt 38,67% (giảm 2,92% so với cùng kỳ). Có thể do dịch bệnh và thông tuyến BHYT nên người dân sẽ đến các bệnh viện tuyến tỉnh để đều trị. Tuy nhiên, để thu hút người dân đến KCB tại đơn vị, về lâu dài, TTYT sẽ phải thay đổi, nâng cao chất lượng KCB, tinh thần phục vụ; đầu tư về con người, về quy trình, về kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Điều trị nội trú trái tuyến tuyến tỉnh được hưởng 100% chi phí như đúng tuyến thật sự đã tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh, nhưng đây cũng là một thách thức đối với bệnh viện tuyến huyện, TTYT tuyến huyện; đòi hỏi các cơ sở y tế phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển nhân lực cũng như kỹ thuật chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Ngoài ra, khi “liên thông” KCB BHYT tuyến tỉnh có thể số lượt điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ tăng lên do số lượt bệnh nhân nội trú vượt tuyến. Chính vì vậy, ngoài việc tăng cường, nâng cao công tác quản lý chất lượng dịch vụ KCB, bệnh viện, TTYT các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về KCB BHYT cho người dân, tránh gây áp lực và yêu cầu nhập viện tại các bệnh viện tuyến tỉnh khi chưa thật cần thiết, nhằm đảm bảo nhu cầu, phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đặng Minh Thông