Chính sách hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp: NLĐ được thụ hưởng gấp 4 lần so với chủ SDLĐ
12/11/2021 07:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Giải trình một số vấn đề ĐBQH nêu tại phiên giải trình sáng 11/11 liên quan đến gói hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định chính sách đảm bảo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, bình đẳng và có chia sẻ. Phần hỗ trợ của quỹ BH thất nghiệp chỉ dành cho những người đang tham gia BH thất nghiệp hoặc đã tham gia BH thất nghiệp nhưng bảo lưu.
Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề lao động việc làm, vấn đề xã hội nói chung, nhất là trong điều kiện bị tác động nặng nề do Covid-19, những định hướng, giải pháp để giảm thiểu thiệt hại; hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển thị trường lao động, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội là những vấn đề bức thiết, thu hút sự quan tâm sâu sắc của ĐBQH, nhân dân và cử tri cả nước.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đã đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm rất cao đối với đồng bào và cử tri cả nước. Các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn đúng và trúng, nội dung ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống mà người dân, lao động và người SDLĐ đang rất quan tâm. Đồng thời, phiên chất vấn đã tập trung làm rõ thêm những vấn đề như: dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế, việc làm và đời sống của người dân, DN; tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ ASXH, hỗ trợ NLĐ bảo đảm cho mọi người được tiếp cận thuận lợi nhất, nhanh nhất. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực, khả thi đặt trong tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó lưu ý các vấn đề về bình đẳng giới, hỗ trợ NLĐ nữ, lao động nhập cư, lao động tự do trong khu vực phi chính thức là những người yếu thế trong xã hội…
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ LD-TB&XH quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội, tình trạng NLĐ bán sổ BHXH, chính sách tiền lương đối với những nhóm đối tượng có mức lương thấp, nghỉ hưu trước năm 1995, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đặt trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19…
Trước đó, trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) về cải cách chính sách tiền lương, hiện đang thí điểm ở 3 tập đoàn trong áp dụng chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vấn đề lương của doanh nghiệp, thời gian tới thay đổi căn bản, lương được xác định giá cả sức lao động, trả lương theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở có sự can thiệp chừng mực của Nhà nước; đề cao vai trò tự chủ của người SDLĐ. Doanh nghiệp và NLĐ quyết định thang bảng lương. Nhà nước không quy định thang bảng lương. NLĐ và người SDLĐ sẽ thỏa thuận dựa theo sự phát triển của DN. Mức lương dựa trên tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp, bài toán hài hòa lợi ích. Tập trung thực hiện tốt vai trò 3 bên: là cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông): “Vừa qua Chính phủ đã có Nghị quyết về việc hỗ trợ NLĐ thông qua quỹ BH thất nghiệp, như vậy có vội quá không? Lý do Bộ LĐ-TB&XH không chấp thuận ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam về đề xuất miễn đóng đóng BHXH cho lao động?”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quỹ BH thất nghiệp có vai trò quan trọng và là “bà đỡ” cho thị trường lao động. Vừa qua, kết dư của quỹ BH thất nghiệp và tính an toàn bảo đảm của quỹ trong thời gian tới nên hỗ trợ NLĐ vẫn đảm bảo quỹ được bảo toàn. “Trong điều kiện đời sống của NLĐ, việc làm bị ảnh hưởng rất nặng nền bởi đại dịch, chúng ta sử dụng một phần kết dư quỹ BH thất nghiệp là rất cần thiết, giảm đóng cho DN đối với quỹ BH thất nghiệp là hoàn toàn xác đáng. Việc này đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội và được triển đúng luật. Theo quy định, việc quy định chính sách này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong thời gian chưa họp Quốc hội nhưng tại kỳ họp trước, Quốc hội có Nghị quyết 03 giao thẩm quyền này cho Ủy ban TVQH. Vì vậy, sau khi đánh giá tác động, Chính phủ báo cáo Ủy ban TVQH xem xét và Ủy ban TVQH có Nghị quyết 03 cho phép Chính phủ triển khai Nghị quyết này với tổng số vốn hỗ trợ 38.000 tỷ đồng”- Bộ trưởng Dung khẳng định.
Về nội dung triển khai gói hỗ trợ có vội không, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong bối cảnh tình hình thời điểm đó, việc đề xuất là kịp thời và chính xác. Đây là chính sách có tính chất tình thế, nhất là dịch tác động phức tạp và tác động nặng nề của đời sống nhân dân, đặc biệt NLĐ và người SDLĐ. Mặt khác, việc thực hiện chính sách đảm bảo đúng nguyên tắc đóng hưởng, bình đẳng và có chia sẻ. Phần hỗ trợ của quỹ chỉ dành cho những người đang tham gia BH thất nghiệp hoặc đã tham gia BH thất nghiệp nhưng bảo lưu. “Chúng ta thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ phải đặt trong bối cảnh tổng thể chung. Trong gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng đã sử dụng 30.000 tỷ từ kết dư để hỗ trợ NLĐ. Người chủ DN chỉ giảm 0,5% tức là 8.000 tỷ đồng. NLĐ thụ hưởng chính sách đã gấp 4 lần so với người SDLĐ”- Bộ trưởng Dung khẳng định.
Nguyệt Hà
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?