Quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục
14/12/2021 04:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, được triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước. Tham gia BHYT sẽ có nhiều quyền lợi mà đặc biệt là được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh (KCB) khi tham gia BHYT liên tục 05 năm và trong năm có số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở.
Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau tiếp nối lần trước. Trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng vẫn được tính là tham gia BHYT liên tục. Thời gian tham gia BHYT đủ 05 năm liên tục sẽ được in trực tiếp ngay trên thẻ BHYT. Chi phí cùng chi trả là khoản tiền mà người bệnh có thẻ BHYT phải cùng chi trả với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo tỉ lệ phần trăm được hưởng của loại thẻ BHYT. Cụ thể, nếu thẻ BHYT có tỉ lệ mức hưởng là 80%, khi đi KCB có tổng chi phí thuộc phạm vi thanh toán BHYT là 01 triệu đồng thì BHYT chi trả 800.000 đồng, cá nhân tự chi trả 200.000 đồng thì số tiền 200.000 đồng chính là chi phí cùng chi trả (20%).
Nếu người tham gia BHYT đủ 05 năm liên tục, khi đi KCB đúng tuyến và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (tính từ thời điểm đủ 05 năm liên tục) thì sẽ được hưởng quyền lợi đặc biệt, đó là được cơ quan BHXH thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Người có thẻ BHYT đi KCB đúng tuyến được hiểu là đi KCB tại cơ sở KCB được ghi trên thẻ BHYT; Đăng ký KCB ban đầu tại tuyến xã hoặc tuyến huyện đến khám ở các cơ sở cùng tuyến trong cùng tỉnh; Cấp cứu; Người tham gia BHYT được chuyển tuyến.
Trong 01 năm, người có thẻ BHYT đi KCB có số tiền cùng chi trả vượt 06 tháng lương cơ sở tính từ thời điểm đủ 05 năm liên tục, thì phần vượt quá 06 tháng lương cơ sở được cơ quan BHXH chi trả. Nếu cá nhân tự chi trả thì sẽ được cơ quan BHXH thanh toán lại phần chênh lệch. Cụ thể: Từ 01/05/2021 là thời điểm người tham gia đủ BHYT 05 năm liên tục. Khi đi KCB đúng tuyến, có chi phí cùng chi trả từ 01/05/2021 đến 01/10/2021 là 20 triệu đồng. Ở thời điểm hiện tại, số tiền 06 tháng lương cơ sở sẽ là 8.940.000 đồng (1,490 triệu đồng x 6 tháng = 8,940 triệu đồng). Vì số tiền cùng chi trả 20 triệu đồng lớn hơn 06 tháng lương cơ sở 8,940 triệu đồng nên người có thẻ BHYT đến cơ quan BHXH sẽ được thanh toán lại số tiền chi trả chênh lệch là 11,060 triệu đồng ( 20 triệu – 8,940 triệu đồng = 11,060 triệu đồng) và đồng thời được cấp cơ quan BHXH cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm kể từ ngày 01/10/2021. Sau khi có Giấy chứng nhận, nếu KCB đúng tuyến, người tham gia BHYT chỉ cần xuất trình giấy này để không phải thanh toán phần cùng chi trả như trước đây. Qua năm 2022, khi nào phần cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì người tham gia BHYT mới được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả để sử dụng cho năm 2022.
Thủ tục nộp cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để đề nghị thanh toán số tiền chênh lệch gồm các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu): Thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân/ căn cước công dân; Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần KCB đề nghị thanh toán; Hóa đơn và các chứng từ có liên quan. Một điểm lưu ý, trong KCB sẽ có một số dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT nên sẽ có các trường hợp mặc dù đã được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả nhưng vẫn phải trả thêm tiền khi thanh toán (dịch vụ) .
Tham gia BHYT được coi là một hình thức tiết kiệm "Đóng góp khi lành - để dành khi ốm" nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Đồng thời được chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội, cũng là thể hiện truyền thống đạo lý lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam, đặc biệt tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ mức đóng. Vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng hãy tích cực tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Phương Danh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?