Đôi điều tâm sự về “nghề” giám định viên BHYT
25/02/2022 01:47 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhớ lại ngày nào, khi mới về công tác tại Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), được lãnh đạo phân công làm công tác “Giám định viên thường trực” tại cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Là một bác sỹ quen với công việc khám bệnh kê đơn nên cụm từ “giám định viên” nghe như xa lạ. Hơn nữa, lại là giám định viên “thường trực” thì càng xa lạ hơn. Nhưng rồi “giám định viên” đã trở thành “nghề” của tôi trong những năm qua.
“Nghề” giám định viên mặc dù không trực tiếp khám, chữa bệnh nhưng gián tiếp giúp cho người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi về chính sách BHYT; giám định viên phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Giám định viên còn làm công tác giám định chi phí về thuốc, dịch truyền, dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc, giá vật tư y tế…của cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định, cung cấp cho bệnh nhân BHYT.
Là “giám định viên thường trực” tại cơ sở khám, chữa bệnh, anh em Cơ quan thường gọi chúng tôi là “những đặc phái viên toàn quyền”. Nghĩa là chúng tôi được “đặc phái” tại các cơ sở khám, chữa bệnh và được “toàn quyền” quyết định mọi vấn đề về khám, chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám, chữa bệnh từ thẩm định danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc, danh mục vật tư y tế tiêu hao…mà cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng cho bệnh nhân BHYT đến chi phí khám, chữa bệnh. Chúng tôi là những “đại sứ” giữa Cơ quan BHXH với cơ sở khám chữa bệnh, khi vượt khả năng thì báo cáo xin ý kiến của Lãnh đạo cơ quan. Ngoài ra chúng tôi còn “tư vấn” mọi thắc mắc về chế độ BHYT cho người bệnh và thân nhân người bệnh khi họ có yêu cầu. Nhiệm vụ hết sức năng nề, làm thế nào vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, vừa đảm bảo cân đối được nguồn quỹ BHYT.
Đối với chúng tôi, có rất nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn. Hàng ngày, có khi phải giải quyết những công việc ngoài công tác chuyên môn, có những trường hợp nhập viện không trình thẻ BHYT, vì cho rằng có thẻ BHYT cơ sở khám, chữa bệnh chăm sóc không chu đáo, nhưng đến khi ra viện thì trình thẻ BHYT và yêu cầu được hưởng quyền lợi BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh không đồng ý thì người bệnh tìm đến chúng tôi phản ánh; nhiều trường hợp đi khám, chữa bệnh vượt tuyến tuyến tỉnh (không phải trường hợp cấp cứu) nhưng không có giấy giới thiệu chuyển viện của tuyến dưới, cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh không giải quyết quyền lợi BHYT (ngoại trú) thì họ lại gặp giám định viên “ thắc mắc”…
Chúng tôi là những người đang “làm dâu trăm họ”, mọi vấn đề liên quan đến chính sách BHYT, người bệnh cũng như cơ sở khám, chữa bệnh đều “bắt đền” chúng tôi. Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như người bệnh còn gọi chúng tôi là “cảnh sát bảo hiểm”, vì giám định viên không những phối hợp với cán bộ y tế tuyên truyền chính sách BHYT mà còn kiểm tra thẻ BHYT của bệnh nhân đến khám, chữa bệnh; giám định trên phiếu khám, chữa bệnh ngoại trú; kiểm tra bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa phòng, xem xét việc chỉ định thuốc, cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật …của thầy thuốc chỉ định cho bệnh nhân. Một điều xem ra hơi nghịch lý trong nghiệp vụ công tác giám định là các y bác sỹ làm giám định viên của cơ quan BHXH kiểm soát các đơn thuốc, dịch vụ kỹ thuật… mà các bác sỹ bệnh viện đã chỉ định cho bệnh nhân. Song nghịch lý đó lại có tác dụng rất lớn, đã có nhiều giám định viên tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh qua công tác giám định đã chỉ ra những sai soát, không hợp lý trong quá trình kê đơn, chỉ định dịch vụ cho bệnh nhân tránh lãng phí quỹ BHYT.
Hàng năm, đến dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, cả xã hội tôn vinh, tặng hoa chúc mừng y bác sỹ ngành y tế, còn những y bác sỹ làm công tác giám định viên như chúng tôi thì chưa được như vậy, nhưng chúng tôi luôn được sự quan tâm của Lãnh đạo cơ quan, Ban chấp hành Công đoàn hàng năm đến dịp 27/02 đều tổ chức gặp gỡ, chúng mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam và tạo điều kiện cho chúng tôi ôn lại ngày truyền thống của ngành Y. Chúng tôi nghĩ rằng, dù công tác ở lĩnh vực nào, ngành nào đi chăng nữa, nhưng tất cả cũng vì bệnh nhân thân yêu. Yêu thương bệnh nhân BHYT như người thân, gắn chữ tâm vào mỗi việc làm vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người có thẻ BHYT, giám định viên chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn, hàng năm đã phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức, thực hiện khám, chữa bệnh cho hàng triệu bệnh nhân có thẻ BHYT.
Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02), 27 năm thành lập Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (16/02), là một bác sỹ cũng từng là một giám định viên tôi muốn bày tỏ cùng các bạn đồng nghiệp. Không ai khác ngoài giám định viên chúng ta biết và nắm sát công tác tổ chức khám, chữa bệnh BHYT, quyền lợi của người có thẻ BHYT cần phải thực hiện như thế nào đúng theo Luật BHYT và không ai “thuộc” Luật BHYT bằng những người làm công tác giám định như chúng ta. Vì sức khỏe của người tham gia BHYT, vì sự phát triển của Ngành BHXH Việt Nam, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, mỗi giám định viên dù là y, bác sỹ hay dược sỹ hãy nổ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn./.
Phương Danh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?