Người dân có thể lựa chọn phương thức đi khám chữa bệnh thuận tiện, phù hợp nhất
21/05/2024 07:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, người dân đi KCB BHYT có thể sử dụng 3 cách: Dùng CCCD gắn chip, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số hoặc ứng dụng VNeID mà không cần đến thẻ BHYT giấy. Việc ứng dụng công nghệ số thay thế thẻ BHYT giấy góp phần đơn giản hóa TTHC, minh bạch thông tin, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí và chống gian lận, trục lợi quỹ BHYT.
Tại Hà Nội, tính đến đầu tháng 5/2024 đã có 7.310.926 người có thẻ BHYT trên địa bàn Thành phố được đồng bộ và có thể sử dụng CCCD gắn chip để đi KCB; 100% cơ sở KCB BHYT triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc VNeID với hơn 3.647.035 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT khi đi KCB BHYT.
Chị Lê Thị Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi sử dụng CCCD gắn chip đi KCB BHYT, chia sẻ, trước đây, khi đi khám bệnh chị luôn phải mang theo thẻ BHYT giấy, sổ khám bệnh, xuất trình CMND để nhân viên bộ phận Tiếp đón của BV kiểm tra lại thông tin và nhận diện ảnh. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các thông tin cá nhân của chị đều đã được tích hợp trong thẻ CCCD gắn chip, vì vậy, chỉ bằng thẻ CCCD gắn chip chị có thể đi KCB một cách đơn giản, thuận tiện.
Là bệnh nhân ngoại trú, bà Lưu Thị Thắng (quận Nam Từ Liêm) hằng tháng phải đến BV khám lấy thuốc. Trước kia phải chuẩn bị nhiều giấy tờ trước mỗi lần đi khám bệnh, nay bà thấy hài lòng và bớt lo lắng hơn. Bà chia sẻ: “Tôi cao tuổi rồi, lúc nhớ, lúc quên, nên khó tránh được chuyện đi khám bệnh quên giấy này, giấy nọ. Có khi đến lượt, tôi lại phải quay về, hôm sau đến xếp hàng lại. Bây giờ thì đổi mới lắm rồi, mọi thông tin cá nhân để KCB có cả trong chiếc điện thoại thông minh này, chỉ cần nhấn vào biểu tượng VNeID là biết, khá nhanh và đơn giản”.
Theo BHXH TP.Hà Nội, 4 tháng đầu năm nay, đã có 4.170.107 lượt người KCB BHYT; chi phí từ quỹ BHYT số tiền 7.555,3 tỷ đồng (tháng 1/2024 là 1.998,6 tỷ đồng; tháng 2/2024 là 1.396,4 tỷ đồng; tháng 3/2024 là 2.101,7 tỷ đồng; tháng 4/2024 là 2.058,5 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2023, số lượt KCB BHYT tăng 296.653 người (tăng 7,7%); số chi phí KCB BHYT tăng 884.380 tỷ đồng (tăng 13,3%). Chi phí bình quân/lượt KCB tháng 4/2024 là 1.909.911 đồng; trong đó chi phí bình quân ngoại trú là 647.583 đồng/lượt; chi phí bình quân nội trú là 8.189.412 đồng/lượt. Nhưng đáng nói, người bệnh sử dụng tiện ích của các ứng dụng CNTT nên thấy hài lòng hơn, rất ít sử dụng thẻ BHYT giấy đi KCB.
Với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, trong thời gian qua, BHXH TP.Hà Nội đã chú trọng triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Tại Hà Nội có 184 lượt giao dịch gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng DVC quốc gia; Thực hiện liên thông đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi với 114.748 trường hợp; Thực hiện liên thông đăng ký khai tử- xoá đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí đối với 905 trường hợp; Đồng thời, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC quốc gia để xác nhận quá trình đóng BH thất nghiệp cho 57.074 NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên địa bàn TP.Hà Nội có 2 đơn vị được lựa chọn thí điểm xác thực thông tin sinh trắc tích hợp vào Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT (phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp) là BV An Việt và tích hợp vào Phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ (phục vụ công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC) là BHXH quận Đống Đa. Thực tế cho thấy, việc sinh trắc vân tay với CCCD gắn chíp đảm bảo được việc xác thực chính chủ sử dụng thẻ BHYT KCB hoặc giao dịch nộp hồ sơ (nhất là hồ sơ hưởng BHXH một lần, hồ sơ cấp lại sổ BHXH…). Vì vậy, hạn chế được việc gian lận, giả mạo hồ sơ, giấy tờ tùy thân để trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Cũng theo BHXH TP.Hà Nội, hiện cơ quan này đang quản lý 7.731.570 người tham gia và hưởng các chế độ BHXH hàng tháng. Do đó, BHXH TP.Hà Nội xác định việc cập nhật, xác thực thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với CSDL quốc gia về dân cư là khâu quan trọng nhất, phải tập trung làm tốt. Đến ngày 8/5/2024, số người tham gia đã được cập nhật thông tin vào CSDL ngành BHXH và xác thực đúng với CSDL quốc gia về dân cư là 7.408.937/7.731.570 người (đạt 95,83%). Chỉ còn 322.633 người chưa được đồng bộ dịnh danh cá nhân/CCCD và xác thực với CSDL quốc gia về dân cư.
Trường hợp chưa đồng bộ được thường do người tham gia kê khai sai cấu trúc số định danh; người tham gia trước đây kê khai chưa đầy đủ, chính xác thông tin định danh cá nhân, nên khó khăn rà soát, xác minh đúng người tham gia (phần lớn là các trường hợp chỉ tham gia BHYT: người có công, người cao tuổi, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội...). Ngoài ra, cũng có trường hợp dữ liệu của người tham gia đã đúng với thông tin trên CCCD gắn chíp, nhưng vẫn chưa được xác thực với CSDL quốc gia về dân cư hoặc bị báo sai thông tin nhân thân.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo BHXH TP.Hà Nội đã chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn thực hiện rà soát, bổ sung thông tin ĐDCN/CCCD của HSSV đang tham gia BHYT; phối hợp với Bưu điện Hà Nội rà soát, xác minh, bổ sung thông tin ĐDCN/CCCD đối với người đang nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại điểm chi trả và lĩnh lương hưu qua tài khoản cá nhân. Đồng thời, phối hợp với cơ quan Công an quận, huyện, xã, phường rà soát, xác minh, bổ sung thông tin ĐDCN/CCCD người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn quản lý; Phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thu thập danh sách thông tin trẻ em đăng ký khai sinh mới, người tham gia BHYT thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người có công để đối chiếu với danh sách người tham gia chưa được đồng bộ ĐDCN/CCCD, bổ sung thông tin ĐDCN/CCCD... với mục tiêu cao nhất là đem lại sự thuận tiện, hài lòng cho người dân.
Châu Anh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?