Bảo hiểm y tế: "Điểm tựa" an sinh vững chắc

17/07/2024 07:50 AM


Cách đây nửa năm, anh Trần Văn Quân (33 tuổi, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)- chàng kiến trúc sư với nụ cười hiền hậu, đã phải trải qua cơn “thập tử nhất sinh” khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm não tự miễn kháng thể kháng NMDAR (+). Đáng nói, cũng thời điểm này, anh Quân cùng lúc phải điều trị bệnh viêm phổi, viêm gan virus B.

Căn bệnh khiến anh Quân bị suy giảm trí nhớ ngắn hạn, xuất hiện những cử động bất thường, gặp vấn đề liên quan đến giữ thăng bằng, nói chuyện và thị lực bị ảnh hưởng, tay chân yếu dần, khó ngủ, rối loạn giấc ngủ… Những cơn đau dày vò đưa anh đến hết BV này đến BV khác. Tại BV Bạch Mai, trải qua ca phẫu thuật cùng hơn 2 tháng điều trị tích cực, anh Quân đã trở về với cuộc sống bình thường bên vợ con với một cơ thể khỏe mạnh.

Chia sẻ với phóng viên, anh Quân cho biết: “Sau thời gian dài điều trị mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần, vợ chồng tôi phải vay mượn tiền để lo chi trả chi phí. Tuy nhiên, rất may, nhờ có thẻ BHYT, tôi đã được quỹ BHYT chi trả cho hơn 260 triệu. Qua đó, giảm bớt phần nào gánh nặng kinh tế đè nặng bấy lâu”. Vốn làm việc cho một DN tư vấn xây dựng, anh Quân được DN đóng BHXH, BHYT đầy đủ. Nhờ đó, tấm thẻ BHYT đã đồng hành cùng anh trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Cũng theo anh Quân, tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật. “Không phải bàn cãi về ý nghĩa của BHYT đối với mỗi người dân, đặc biệt những người có mức thu nhập thấp, khi chẳng may đau ốm hay có vấn đề về sức khỏe. Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người dân bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, từ đó có thể an tâm điều trị bệnh”- anh Quân cho biết.

Từ lâu nay, tấm thẻ BHYT cũng đã trở thành người đồng hành không thể thiếu của bà Nguyễn Thị Xuân (64 tuổi, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm). Tháng 12/2024, bà Xuân không may bị tai nạn giao thông, dẫn đến chấn thương sọ não, phải điều trị cấp cứu tại BV E suốt cả tháng trời, thậm chí còn khiến bà bị liệt toàn thân. Vì vậy, tấm thẻ BHYT như “bùa hộ mệnh”, giúp bà giảm nhiều chi phí khám và điều trị bệnh.

Anh Chu Thiên Mạnh- con trai bà Xuân cho biết: “Gia đình tôi chỉ phải lo tiền đi lại, mua thuốc bổ để tăng cường sức khỏe. Quá trình điều trị tại BV hết 126 triệu đồng, trong đó BHYT đã hỗ trợ chi trả tới 100 triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT, phải gánh thêm khoản tiền điều trị, chắc chắn mẹ tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đức Thuật- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết: “Tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, nhất là với những gia đình có mức thu nhập thấp. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo, cộng đồng sâu sắc, vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho những người chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng 160-185 triệu lượt KCB BHYT. Năm 2023, cả nước có 93,6 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Trong đó, có khoảng 60-70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT đi KCB, với tần suất KCB khoảng 2-2,1 lần/năm. Những con số này đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả quỹ BHYT, đem lại niềm vui và hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn, đòi hỏi cần phải phát triển BHYT bền vững, theo 2 tiêu chí đó là: Đạt bao phủ BHYT toàn dân và bảo đảm bền vững nguồn tài chính. Muốn hiện thực hóa mục tiêu này, rất cần đầu tư phát triển dịch vụ kỹ thuật KCB BHYT; nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế với phương châm “lấy người dân làm trung tâm phục vụ”.

Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng KCB, đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống y tế... Qua đó, không chỉ bảo đảm quyền lợi, mà còn tạo dựng niềm tin đối với người dân khi KCB bằng thẻ BHYT. Còn về phía BHXH Việt Nam, để phát triển đối tượng tham gia BHYT, trong thời gian qua, toàn Ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đồng thời chủ động đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để mọi người dân nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT…

Bên cạnh đó, toàn ngành BHXH Việt Nam cũng không ngừng đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT. Đặc biệt, chú trọng phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT theo hướng chuyên nghiệp, đào tạo kỹ năng, phương pháp tiếp cận người dân cho tổ chức dịch vụ thu để vận động tham gia BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Ngoài ra, ngành BHXH Việt Nam cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị SDLĐ có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. BHXH Việt Nam cũng đổi mới mạnh mẽ phương pháp giám định, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng các giải pháp CNTT trong công tác giám định BHYT. Qua đó, giúp người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT; đồng thời phối hợp với cơ sở KCB giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện KCB cho người có thẻ BHYT.

Thực tế đã chứng minh, mục tiêu cuối cùng của BHYT toàn dân là đem lại lợi ích thiết thực, hài hòa và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, con người, xuất phát từ chính tinh thần sẻ chia “lá lành đùm lá rách”. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam và Bộ Y tế, rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để lan tỏa chính sách trong BHYT tới mọi người dân, giúp mỗi người tự nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách để chủ động tham gia nhằm chăm lo cho bản thân mình và gia đình.

Thực hiện và trình bày: Hà Hùng