Hợp tác, hội nhập quốc tế góp phần phát triển ngành BHXH Việt Nam
17/07/2024 08:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các nội dung được diễn giả chia sẻ tại Hội nghị Tập huấn công tác đối ngoại và bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế của ngành BHXH Việt Nam năm 2024 khu vực phía Bắc diễn ra tại Hải Dương trong 2 ngày 15-16/7/2024.
Chia sẻ về hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam trong thời kỳ mới, TS.Nguyễn Hải Lưu- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) thông tin, thuật ngữ ngoại giao “Cây tre Việt Nam” gần đây được xuất hiện và trở nên phổ biến tại các diễn đàn ngoại giao ở trong và ngoài nước. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (năm 2016), thuật ngữ “Cây tre Việt Nam” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập ẩn dụ về đường lối đối ngoại của Việt Nam: "“Cây tre Việt Nam” mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người...”.
Vận dụng “ngoại giao cây tre” trong công tác thông tin, đối ngoại, TS.Nguyễn Hải Lưu cho rằng, ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo và chủ động thích ứng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội và điều kiện thuận lợi của quá trình hợp tác, hội nhập quốc tế để phát triển Ngành… Qua đó, từng bước khẳng định vị thế, hình ảnh BHXH Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng an sinh xã hội khu vực và quốc tế.
Chia sẻ về tình hình kinh tế khu vực và thế giới tác động đến Việt Nam và hàm ý đối với ngành BHXH Việt Nam, TS.Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, kinh tế thế giới phục hồi chậm nhưng có nhiều dấu hiệu tích cực hơn dù không đồng đều giữa các khu vực và các quốc gia. Nhìn dài hơn thì nguy cơ đứt gẫy các chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến tâm lý quan ngại, niềm tin suy giảm. Cùng với đó là biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan dẫn đến nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực và nguy cơ dịch bệnh.
Theo TS.Võ Trí Thành, từ bối cảnh kinh tế thế giới, dẫn thế thách thức và cơ hội theo những xu thế phát triển mới như Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tái cấu trúc kinh tế gắn với sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, sẽ dẫn đến thay đổi cấu trúc dân số, già hoá, bất bình đẳng xã hội, đô thị hoá và di dân sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.
Cùng trong bối cảnh kinh tế thế giới, tại Việt Nam, kinh tế thực mặc dù khó khăn nhưng cũng có dấu hiệu phục hồi, dự báo tăng trưởng 2024 phấn đấu cao hơn mức 7%, tuy nhiên mức độ cải thiện tình hình năm 2024 còn tuỳ thuộc diễn biến từ bên ngoài, song điều tiên quyết là nỗ lực chính sách và cải cách của Việt Nam. TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, khó lường, khó dự báo, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở đó, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển các mối quan hệ đối ngoại với các tổ chức quốc tế và khu vực đi vào chiều sâu, ngày càng ổn định, bền vững nhằm chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ quốc tế vào hoạt động của Ngành, góp phần đẩy nhanh quá trình đổi mới, phát triển Ngành BHXH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của người tham gia.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh ttrao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp BHXH Việt Nam cho ông Robert J.Palacios- Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới
Ở góc độ quốc tế, ông Robert Palacios- Chuyên gia Kinh tế (Ngân hàng Thế giới) cho hay, sự già hoá dân số và tình trạng phi chính thức ở châu Á tác động đến an sinh xã hội. Theo đó, Đông Nam Á đang trải qua quá trình già hoá dân số chưa từng thấy. Từ những tác động của sự thay đổi nhân khẩu học chưa từng có với tình trạng phi chính thức dai dẳng. Điều kiện sống khác nhau, với số lượng người cao tuổi không có lương hưu dựa trên đóng góp ngày càng tăng, bao gồm: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao- “phải làm việc cực nhọc không ngừng nghỉ”; phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình (khó khăn hơn khi có ít con hơn); tỷ lệ nghèo cao hơn ở các hộ có người già; căng thẳng tài chính hệ thống hưu trí; nhân khẩu học thực sự tồi tệ hơn đối với chương trình hưu trí so với tác động của nó ở tầm quốc gia. “Nếu thâm hụt được ngân sách trung ương bù đắp, nguồn lực dành cho dân số không được bao phủ sẽ bị hạn chế, bao gồm cả lương hưu xã hội, dẫn đến kết quả là chính sách tài khóa mang tính lũy thoái hơn. Vai trò tái phân phối trong chương trình hưu trí dựa trên đóng góp không hiệu quả. Vai trò của lương hưu tối thiểu khác với các nước giàu, có mức độ bao phủ cao. Kết quả là lương hưu xã hội trở nên quan trọng hơn; BHYT cũng trở nên quan trọng hơn”- ông Robert Palacios nhấn mạnh.
Theo ông Robert Palacios, để ứng phó với già hoá dân số, các quốc gia có thể thúc đẩy hưu trí tự nguyện cho lao động phi chính thức, mở tộng lương hưu xã hội. Trong đó, lương hưu xã hội (hỗ trợ tiền mặt cho người già). “Một lựa chọn chính sách quan trọng là nên áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hoặc có một chương trình hưu trí song song cho NLĐ phi chính thức. Và hầu hết các quốc gia áp dụng thành công trong mở rộng phạm vi bao phủ. Đây cũng là những kinh nghiệm để ngành BHXH Việt Nam có thể áp dụng nhằm mở rộng bao phủ BHXH đến NLĐ ở khu vực phi chính thức trong bối cảnh già hoá dân số như hiện nay”- ông Robert Palacios.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được ông Nguyễn Tiến Thành- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (BHXH Việt Nam) phổ biến, quán triệt triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về BHXH của ngành BHXH Việt Nam. Theo đó, ngày 14/12/2021, tại Seoul Hàn Quốc, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định song phương về BHXH. Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực ASXH và cũng là Hiệp định song phương đầu tiên về BHXH của Việt Nam với một quốc gia khác. Trên cơ sở nội dung ký kết, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát, bổ sung nhiệm vụ thực hiện Hiệp định và các Thỏa thuận đã ký kết vào chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng cam kết, trách nhiệm và nghĩa vụ; đảm bảo quyền lợi của NLĐ thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định…
Nhằm hiểu rõ hơn về công tác nghiệp vụ triển khai thực hiện Hiệp định, đại diện Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ đã hướng dẫn triển khai thực hiện Hiệp định về đối tượng BHXH. Cùng với đó, ThS. Trần Thu Thuỷ, Giảng viên Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao cũng đã có bài chia sẻ về “Xây dựng Thương hiệu địa phương trong hoạt động đối ngoại”. Nhiều ý kiến trao đổi tại Hội nghị cũng được các chuyên gia, đại diện các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam giải đáp thỏa đáng.
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đánh giá sự tích cực, trách nhiệm của các đại biểu tham dự và hoàn thành toàn bộ các nội dung đặt ra. Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, chia sẻ của các chuyên gia, diễn giả có uy tín trong lĩnh vực đối ngoại đã cung cấp các thông tin cần thiết nhằm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức, trang bị thông tin về hội nhập quốc tế, thông tin về tình hình thế giới, khu vực; những điểm nhấn trong công tác đối ngoại của Ngành cho cán bộ, CCVC và cán bộ đầu mối làm công tác đối ngoại của ngành BHXH Việt Nam.
“Tôi kỳ vọng những thông tin hay, quan trọng được các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị lần này sẽ giúp các đại biểu cập nhật được nhiều thông tin, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bổ ích trong lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế và an sinh xã hội, qua đó, vận dụng vào trong thực tế thực hiện nhiệm vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công chung của toàn Ngành BHXH Việt Nam”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Hà Thuỷ
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?