Kết quả chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024
30/07/2024 10:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH Việt Nam tiếp tục đạt được các kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, mang lại lợi ích lớn, thiết thực không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp mà còn cả với các cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực BHXH, BHYT trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, BHXH Việt Nam tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai công tác chuyển đổi số, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn Ngành.
Về phát triển hạ tầng số, BHXH Việt Nam đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung; Triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; Kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; hơn 621 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử. Ứng dụng VssID-BHXH số ngày càng hoàn thiện, phát triển, hiện toàn quốc có hơn 35,5 triệu tài khoản sử dụng. Triển khai trợ lý ảo trong chăm sóc khách hàng, tiên phong trong triển khai tích hợp giải pháp kỳ số từ xa…
BHXH Việt Nam tiếp tục đạt được các kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số (Ảnh minh hoạ)
Về phát triển dữ liệu số, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác để làm giàu các CSDL, phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các Bộ, ngành kết nối, chia sẻ gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thuế và các địa phương. Với nguồn CSDL được cập nhật thường xuyên và hệ thống CNTT phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các Bộ, Ngành, địa phương giúp chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng quản lý, cải cách, liên thông TTHC, góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, đơn vị và doanh nghiệp.
Về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, BHXH Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng như ban hành quy định, quy chế về công tác ATTT; triển khai đầy đủ các giải pháp kỹ thuật, phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ; tổ chức diễn tập và hội nghị ATTT hàng năm; thực hiện kiểm tra, đánh giá và giám sát các hệ thống thông tin của Ngành; thành lập Đội Ứng cứu sự cố ATTT mạng ngành BHXH Việt Nam... để chủ động ứng phó từ sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả các cuộc tấn công mạng. BHXH Việt Nam cũng phát hành các công văn tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động bảo vệ các thông tin, dữ liệu Ngành đang quản lý, bảo đảm khai thác, sử dụng dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam.
Về cung cấp dịch vụ công trên môi trường số, các TTHC của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình. Các DVC này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST... Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 49,9 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động, chiếm 88% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý).
Triển khai khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), với hơn 104,2 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.
Đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt, Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 10% so với năm 2023), trong đó: Lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ước khoảng 59%; Chế độ BHXH một lần ước khoảng 97%; Trợ cấp thất nghiệp ước khoảng 98%.
Có thể khẳng định, với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng CNTT, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đặc biệt là thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác CSDL của Ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT./.
Phạm Chính
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?