Khi người dân hiểu rõ ý nghĩa tấm thẻ Bảo hiểm y tế
26/09/2024 02:09 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong thời kỳ số hóa tấm thẻ bảo hiểm y tế giấy được thay thế bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) và cũng có thể dùng ứng dụng VssID khi người dân đi khám chữa bệnh. Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) luôn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, giúp bạn an tâm hơn trước những rủi ro bệnh tật.
Người bệnh BHYT được sử dụng dịch vụ chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao (tại bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận)
Hơn nữa, tấm thẻ thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Tấm thẻ thể hiện sự sẻ chia của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn. Thẻ BHYT giảm gánh nặng tài chính khi ốm đau, người tham gia sẽ được hưởng một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế được quy định. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bản thân và gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong trường hợp mắc bệnh nặng hoặc tai nạn.
Mặt khác, tham gia BHYT thúc đẩy công bằng trong KCB, BHYT góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo mọi người đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ KCB chất lượng cao. Ngoài ra, thẻ BHYT còn có những tác động tích cực khác như: Thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế. Điều đó thể hiện khi người dân tham gia BHYT nhiều, nguồn ngân sách cho y tế sẽ tăng lên, góp phần đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế. Người tham gia được KCB tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng, đảm bảo an toàn và hiệu quả…
Chính hiểu rõ ý nghĩa và tính nhân văn của tấm thẻ BHYT nên người dân tham gia BHYT ngày càng nhiều, những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ một phần mức đóng cũng đã cố gắng có tấm thẻ BHYT. Chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống và khẳng định là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Nhìn lại cách đây mười năm (2014), toàn tỉnh Bình Thuận chỉ có 690.485 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 57,48% dân số, thì đến năm 2023, toàn tỉnh có 1.141.761 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm tỷ lệ 92,28% dân số, đạt và vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao. Trong 8 tháng đầu năm 2024, số người tham gia BHYT là 1.076.388 người đạt 92,3% kế hoạch năm; tăng 16.827 người (tăng 1,5%) so với cùng kỳ 2023. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 92,52% dân số. Phấn đấu đến cuối năm đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 93,55% dân số và năm 2025 đạt tỷ lệ 95% dân số theo chỉ tiêu Chính phủ giao.
Có thể khẳng định, khi tham gia BHYT là bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Vì khi người dân tham gia BHYT, họ sẽ được khuyến khích đi khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Một tấm thẻ BHYT tuy nhỏ, nhưng mang lại ý nghĩa to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho mỗi người dân. Để phát huy hiệu quả của chính sách BHYT, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHYT. Thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát việc sử dụng quỹ BHYT, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB tại các cơ sở y tế. Đồng thời, có chính sách khuyến khích người dân tham gia BHYT, nhất là đối với học sinh, sinh viên; hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình; người dân tộc thiểu số…
H. NHẬT
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?