Bảo hiểm y tế thực sự đã đi vào cuộc sống người dân
17/12/2024 03:39 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Với ý nghĩa, giá trị nhân văn, thiết thực, chính sách BHYT đã ngày càng phát triển và hoàn thiện, tạo điều kiện cho mọi người dân, nhất là nhóm người yếu thế được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các lợi ích, giá trị nhân văn, thiết thực của chính sách BHYT.
Ảnh minh họa
Luật BHYT ra đời ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Theo đó, các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân được thể chế hóa và đi vào đời sống, hệ thống pháp luật về BHYT được thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thống nhất phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đến nay, từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn đều đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, trong đó đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh làm Trưởng ban với sự tham gia của các sở, ban, ngành trên địa bàn. Hầu hết người dân, các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách BHYT và xác định việc tham gia BHYT vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, góp phần tăng trưởng bền vững độ bao phủ BHYT.
Tại Bình Thuận, tỷ lệ bao phủ BHYT tăng qua từng năm; nếu như năm 2014, toàn tỉnh có 690.485 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm 57,48% dân số; năm 2019 có 991.014 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm 96,17% dân số thì đến năm 2023, toàn tỉnh có 1.141.761 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm tỷ lệ 92,28% dân số, đạt và vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao theo các Quyết định số 1167/QĐ-TTg về giao chỉ tiêu BHYT giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 546/QĐ-TTg về giao chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025. Đặc biệt, trong giai đoạn 2022 đến nay, mặc dù có nhiều khó khăn trong công tác phát triển đối tượng do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng diện bao phủ BHYT vẫn tăng hằng năm. Hầu hết tất cả các nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều đã được tham gia BHYT; được ngân sách Nhà nước, ngân sách tỉnh hoặc huy động từ các nguồn lực khác để đóng, hỗ trợ đóng BHYT.
Hệ thống cơ sở y tế ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế được quan tâm và triển khai có hiệu quả, đặc biệt hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có 140 cơ sở khám, chữa bệnh BHTYT bao gồm cả công lập và ngoài công lập đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị bệnh ung thư cũng được được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Về mức chi trả, Luật BHYT sửa đổi năm 2014 đã tăng mức chi BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo từ 95% lên 100%; người cận nghèo từ 80% lên 95%; nhóm bảo trợ xã hội cũng được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Sở Y tế triển khai việc khám, chữa bệnh BHYT cho những người đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã, phường, thị trấn; kịp thời phối hợp với cán bộ y tế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho bệnh nhân có thẻ BHYT trong việc khám, điều trị bệnh và thanh toán chi phí theo quy định. Cùng với sự gia tăng người tham gia và nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn, ngành Y tế và BHXH đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT bằng cách cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà trong đón tiếp, khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí với người bệnh có thẻ BHYT; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế; đầu tư nhân lực và các trang thiết bị để đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh và thu hút người dân tham gia BHYT, hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân đòi hỏi phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám, chữa bệnh, việc thông tuyến huyện từ ngày 01/01/2016 và tuyến tỉnh từ ngày 01/01/2021 đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT là giải pháp kết nối liên thông hệ thống thông tin y tế giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Đây là giải pháp đồng bộ, tập trung dữ liệu từ khâu tiếp nhận tại cơ sở y tế đến khâu giám định, thanh toán tại cơ quan BHXH. Hệ thống thông tin giám định BHYT thường xuyên cập nhật, phát triển các quy tắc giám định, phân tích tình hình chi khám, chữa bệnh để các cơ sở y tế chủ động kiểm soát, điều chỉnh chi hợp lý, góp phần đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người khám, chữa bệnh BHYT.
Phương Danh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?