Hướng đến chính sách an sinh toàn diện, bao trùm và bền vững
17/02/2025 07:08 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2024, cả nước có 95,55 triệu người tham gia BHYT, tăng 2% (1,9 triệu người) so với năm 2023, bao phủ 94,29% dân số. Trong đó, số người tham gia BHYT do NLĐ, chủ SDLĐ và NSNN đóng là 47,3 triệu người; Số người tự đóng một phần và toàn phần là 48,2 triệu người, khoảng 47,6% dân số.
Ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Qua đó, phần lớn chi phí vướng mắc tồn đọng đã được thanh, quyết toán cho các cơ sở KCB BHYT, giúp các cơ sở KCB có kinh phí đảm bảo công tác KCB và quyền lợi cho người tham gia.
Cơ quan BHXH thường xuyên phân tích, đánh giá việc gia tăng chi phí KCB BHYT, kịp thời cảnh báo các cơ sở KCB BHYT có chi phí bình quân tăng cao so với các cơ sở cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp Sở Y tế và các cơ sở KCB trên địa bàn thực hiện điều chỉnh phù hợp theo quy định của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc định kỳ đến BHXH cấp huyện để đánh giá, kiểm soát chi phí KCB BHYT và tăng cường công tác giám định BHYT…
Với ý nghĩa, giá trị nhân văn, thiết thực, chính sách BHYT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người dân, nhất là các nhóm người yếu thế được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng. Quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân được thể chế hóa và đi vào đời sống, hệ thống pháp luật về BHYT được thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thống nhất phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội. Ngày 27/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT 2024).
Luật BHYT 2024 thể hiện rõ tinh thần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đẩy mạnh CCHC, tăng cường ứng dụng CNTT, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần đưa chính sách ASXH tiến một bước mới trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Luật BHYT 2024 đã bổ sung nhiều đối tượng, đặc biệt là việc bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố;
Đồng thời, điều chỉnh trách nhiệm đóng BHYT, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng để phù hợp với việc sửa đổi, bổ sung các đối tượng tham gia BHYT và đồng bộ với quy định của Luật BHXH cũng như các luật khác có liên quan.
Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi đi KCB nội trú tại cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi KCB tại bất kỳ cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện. Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu.
Đồng thời, mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT, trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi.
Theo Luật BHYT, quy định về KCB BHYT, trong đó có đăng ký KCB BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật KCB năm 2023. Luật quy định quyền của người có thẻ BHYT trong việc đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB cấp ban đầu và cấp cơ bản; quy định khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ BHYT cho cơ sở đăng ký KCB ban đầu. Đồng thời, quy định việc chuyển cơ sở KCB được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB, việc chuyển người bệnh về cơ sở KCB BHYT ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính.
Điều chỉnh tỷ lệ chi cho KCB BHYT, chi dự phòng và tổ chức hoạt động BHYT từ số tiền đóng BHYT. Luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động KCB lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8%, trong đó, dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng. Quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí KCB để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán.
Việc sửa đổi Luật BHYT lần này cũng đã ưu tiên việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong KCB BHYT. Cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong KCB và thanh toán BHYT; quy định về đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ KCB BHYT; quy định về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực BHYT, việc liên thông và sử dụng kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở KCB phù hợp yêu cầu chuyên môn và đưa ra giải pháp tăng cường năng lực KCB BHYT cho y tế cơ sở; ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ y tế thuộc phạm vi chi trả của BHYT để bảo đảm tính quy phạm, minh bạch, công khai. Bên cạnh đó, quy định về cấp BHYT điện tử, quy định Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHYT của cơ quan BHXH hằng năm để đồng bộ với Luật BHXH.
Để tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT từ các bên, Luật BHYT 2024 bổ sung quy định về chậm đóng, trốn đóng BHYT và hình thức xử lý khi chậm đóng, trốn đóng BHYT (Điều 48a, 48b) bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định tại Luật BHXH năm 2024. Đồng thời, quy định rõ, cơ quan, tổ chức, người SDLĐ có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau: Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHYT chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHYT; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Theo chúng tôi, để Luật BHYT 2024 sớm đi vào cuộc sống và phát huy tính ưu việt, cần quan tâm thực hiện tốt các nội dung sau:
(i) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật BHYT, đặc biệt nhấn mạnh những ưu việt của lần sửa đổi này, thông qua việc đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng Internet; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về Luật BHYT 2024.
(ii) Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho DN, người dân; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 trong thực hiện chính sách BHYT. Tăng cường chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHYT và BHXH với các CSDL khác; hoàn thiện CSDL quốc gia về Bảo hiểm... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT và KCB BHYT, đặc biệt là những nhóm đối tượng yếu thế, như: người già, trẻ em, người khuyết tật,..
(ii). Tăng cường công tác giám định BHYT chặt chẽ, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người tham gia.
(iv) Tổ chức tập huấn, nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ trực tiếp và tham gia triển khai thực hiện Luật BHYT 2024 để đảm bảo đầy đủ các điều kiện thực hiện Luật một cách thống nhất, đồng bộ trong năm 2025.
(v) Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là phối hợp giữa ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế đảm bảo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, nhất là đảm chi đúng, chi đủ, kịp thời cho người tham gia BHYT theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người dân.
Bài: TS. Bùi Sỹ Tuấn (Bộ LĐ-TB&XH) Đồ hoạ: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?