Góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
17/02/2025 07:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong ký ức của mình, ông Nguyễn Xuân Phiến- nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên (TP.Hải Phòng) vẫn nhớ về những năm tháng đầy khó khăn ở giai đoạn đầu đổi mới. Là lãnh đạo được UBND huyện phân công trực tiếp phụ trách chỉ đạo về văn hoá- xã hội, ông Phiến càng thấu hiểu hơn những cơ cực của người dân trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Một trong số đó là những khó khăn về KCB. Lẽ thường, có bệnh thì buộc phải đến BV. Nhưng khám, điều trị xong rồi thì không có tiền chi trả viện phí; bí bách nên phải làm liều, nhiều người dân bỏ trốn, BV bị thất thu nghiêm trọng.
“Mỗi năm, UBND huyện phải bù lỗ cho BV huyện khoảng 70 triệu đồng vì người dân trốn viện phí. Với thời giá những năm 1980- 1990 thì đây là số tiền lớn lắm!”- ông Phiến kể lại.
Nhìn rộng hơn, trên cả nước lúc đó cũng có nhiều bất cập trong công tác KCB. Theo thống kê, trong giai đoạn 5 năm (1986-1990), nhu cầu KCB của một cán bộ công nhân viên tại chức bình quân là 2,5 lần/năm; của người nghỉ hưu, mất sức là 16 lần/năm; chi phí KCB bình quân cho một người/năm lúc đó khoảng 50.000 đồng. Trong khi đó NSNN cấp cho ngành Y tế hằng năm có hạn.
Thực hiện chủ trương đổi mới trên lĩnh vực y tế với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, để bổ sung nguồn kinh phí và giảm bớt sức ép căng thẳng của các cơ sở KCB, ngày 24/4/1989, HĐBT (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 45/HĐBT cho phép các cơ sở KCB thu một phần viện phí.
Do nhiều năm được Nhà nước bao cấp, nên ngành Y tế lúng túng trước cơ chế thu một phần viện phí. Biểu hiện rõ nhất là công suất giường bệnh các tuyến đều thấp. Vào giai đoạn này, có địa phương công suất giường bệnh tuyến huyện chỉ đạt 30%, ở tuyến thành phố đạt 50- 60% kế hoạch năm.
Đánh giá về tình hình công tác bảo vệ sức khỏe những năm đầu đổi mới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa VII (năm 1993) đã chỉ rõ về những vấn đề cấp bách trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân: “…Y tế cơ sở suy yếu. Nhiều BV xuống cấp cả về cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, điều trị và tinh thần phục vụ”...
Một số chủ trương như thu viện phí, cho các cơ sở y tế Nhà nước KCB ngoài giờ... tuy có giải quyết được một phần khó khăn, nhưng lại làm nảy sinh những vấn đề mới, những tiêu cực, việc thu viện phí còn tùy tiện, gây nhiều khó khăn, phiền hà cho nhân dân, nhất là những bệnh nhân nghèo. Các cơ sở y tế tư nhân phát triển nhanh, giúp cho nhân dân KCB thuận lợi hơn, nhưng quản lý không chặt chẽ nên cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Thực hiện Quyết định 45 của HĐBT, các BV khắc phục được một phần nào khó khăn. Nhưng thực tế giải pháp thu một phần viện phí chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu KCB của một số đối tượng, chủ yếu là những người có thu nhập khá. Còn đại bộ phận những người có thu nhập thấp không được bao cấp như trước, khi ốm đau không có điều kiện tài chính để được KCB, đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh nặng chi phí cao. Người có công với cách mạng, người hưu trí mất sức, người thu nhập thấp, người nghèo là các đối tượng gặp nhiều khó khăn nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật.
Trong bối cảnh khó khăn đó, chính sách BHYT đã ra đời, nhằm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong y tế, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động tiềm năng của xã hội, tiến tới bảo hiểm sức khỏe nhân dân…
Trong khoảng thời gian hơn 2 năm, hoạt động thí điểm BHYT đã được triển khai ở nhiều vùng, miền với các quy mô, hình thức, đa dạng khác nhau.
GS, Viện sĩ Phạm Song, Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó đã nhận định: “Do có thêm nguồn tài chính nên chất lượng KCB cho nhân dân được cải thiện trên các mặt: trách nhiệm, ý thức phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế trước người bệnh, hạn chế tiêu cực trong KCB. Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, thuốc men được đảm bảo, điều kiện làm việc và phục vụ bệnh nhân được cải thiện, đời sống cán bộ nhân viên y tế cũng được lãnh đạo địa phương quan tâm chăm lo hơn trước. Từ đó hạn chế được tình hình xuống cấp của BV, dần dần lấy lại được lòng tin của nhân dân đối với y tế. Đặc biệt, ở những nơi làm thí điểm đã giảm được những khó khăn phức tạp trong việc thu viện phí, nhân dân hoan nghênh việc lấy BHYT thay cho việc thu viện phí, để người bệnh yên tâm chữa bệnh. Những quyền lợi KCB của bệnh nhân được cơ quan BHYT bảo vệ, quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc có phần được tôn trọng, văn minh hơn. Từ làm thí điểm BHYT đã tác động đến một tư duy mới trong quản lý y tế là tư duy quản lý y tế bằng biện pháp kinh tế. Các BV có hợp đồng với BHYT đã dần dần tổ chức hạch toán kinh tế nội bộ để nâng cao hiệu quả quản lý lao động, vật tư, tài chính... Trong lĩnh vực sử dụng thuốc chữa bệnh đã dần dần đi vào quản lý sử dụng hợp lý, an toàn hơn, do đó bắt đầu xuất hiện cơ chế quản lý có năng suất, chất lượng và tiết kiệm chi tiêu hơn”.
BV Hữu nghị Việt Tiệp là cơ sở y tế được xếp hạng I, tuyến cuối của hệ thống KCB tại TP.Hải Phòng. Đây cũng là BV công đầu tiên trên cả nước thực hiện mô hình tự chủ nhóm 1 từ năm 2018. Hiện BV có quy mô 1.400 giường bệnh kế hoạch, gần 2.400 giường thực kê; 69 đơn vị khoa, phòng, trung tâm.
Theo lãnh đạo BV, số lượng bệnh nhân và chi phí KCB BHYT tại đây liên tục tăng. Giai đoạn 2010-2014, tỷ lệ bệnh nhân BHYT chiếm 40%; đến nay đã chiếm trên 96%. Trong đó, số ca bệnh nặng, hiểm nghèo, phức tạp, chi phí điều trị lớn nhập viện điều trị cũng ngày càng tăng. Cùng với đó là số dịch vụ kỹ thuật, nhất là kỹ thuật mới, chuyên sâu được thanh toán BHYT cũng ngày một nhiều hơn (hiện có 12.532 dịch vụ kỹ thuật, trong đó có 1.058 dịch vụ kỹ thuật tuyến trung ương).
Những con số cho thấy chính sách BHYT đã và đang có sự tác động rất lớn đến hoạt động KCB của các cơ sở y tế, nhất là khi nhìn vào tỷ lệ bệnh nhân KCB BHYT, như tại BV Việt Tiệp là trên 96% bệnh nhân khám, điều trị có BHYT. Nguồn chi từ BHYT tại cơ sở này cũng liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, tổng chi BHYT giai đoạn 2010-2014 là hơn 1.017 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2019 là 2.809 tỷ đồng; giai đoạn 4 năm gần đây là khoảng 3.174 tỷ đồng.
Tương tự như BV Việt Tiệp, tại hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước, quỹ BHYT đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng đảm bảo cho công tác KCB, phục vụ người dân.
Từ khi thực hiện Luật BHYT, hầu hết các cơ sở y tế công lập có chức năng KCB đều tham gia ký kết hợp đồng KCB BHYT trực tiếp với cơ quan BHXH. Năm 2009- năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng KCB BHYT với 2.176 cơ sở; đến nay số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT là 2.897, tăng hơn năm 2009 là 809 cơ sở, trong đó số cơ sở KCB tư nhân là 1.106 cơ sở, tăng gấp 5 lần so với năm 2009 (175 cơ sở). Ngoài ra còn có gần 10.000 trạm y tế xã/phường/thị trấn cũng tham gia KCB BHYT thông qua hợp đồng do các BV huyện hoặc TTYT hoặc cơ sở KCB được Sở Y tế giao nhiệm vụ quản lý ký với cơ quan BHXH.
Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng nhanh qua từng năm, từ năm 2009. Trong 15 năm qua đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng số tiền trên 993.000 tỷ đồng; bình quân lượt KCB BHYT mỗi năm là 141 triệu lượt/năm (tăng 59,5% so với năm 2009), với tổng chi phí KCB bình quân 66.200 tỷ đồng/năm (tăng 330% so với năm 2009). Tần suất KCB BHYT cũng tăng từ 1,77 lần/người/năm vào năm 2009 lên 1,86 lần/người/năm vào năm 2023.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được thông qua năm 2024, có hiệu lực trong năm 2025, tiếp tục có những sửa đổi mở rộng phạm vi, quyền lợi của người tham gia. Theo đó, đã mở rộng phạm vi hưởng đối với người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán các chi phí với KCB từ xa, hỗ trợ KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà; mở rộng thanh toán chi phí vận chuyển trong một số trường hợp; tăng độ tuổi được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ mắt từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đồng thời, nâng mức hưởng BHYT 100% chi phí KCB đối với một số nhóm (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025); mở rộng mức hưởng (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025) 100% chi phí KCB (không phải cùng chi trả) cho tất cả người tham gia BHYT khi đi KCB đúng nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu, chuyển đúng tuyến tại cơ sở KCB thuộc cấp KCB ban đầu…
Cùng với việc gia tăng số người tham gia BHYT, tạo nền tảng BHYT toàn dân bền vững, chính sách BHYT sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, là nguồn lực quan trọng để hệ thống các cơ sở KCB đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu KCB đang ngày càng gia tăng của người dân.
Bài: Minh Đức Đồ hoạ: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?