Thực hiện BHYT HSSV: Ngành Giáo dục phát huy vai trò nòng cốt

05/09/2019 04:53 PM


Chính sách BHYT được thực hiện với HSSV hơn 20 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn, sự cần thiết, là giải pháp hữu hiệu giúp cho thế hệ trẻ đủ sức khỏe để học tập, rèn luyện, là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành GD-ĐT nói chung, hệ thống trường học các cấp nói riêng có vai trò nòng cốt. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh:

- Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định rõ BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, trong đó HSSV là nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng. Với quan điểm công tác chăm lo sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, để sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai BHYT. Trong đó, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ GD-ĐT quản lý, trong đó có đối tượng HSSV; các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT.

Tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HSSV, đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Quyết định số 1167 ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 cũng nhấn mạnh là phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV, theo đó giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT HSSV.

Về trách nhiệm thu BHYT của các trường học, Thông tư liên tịch số 41 ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế- Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định: cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm/lần nộp vào quỹ BHYT...

Như vậy, có thể thấy việc thực hiện BHYT HSSV đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, nằm trong lộ trình BHYT toàn dân và mang tính bắt buộc; trong đó, ngành GD-ĐT, hệ thống trường học các cấp có vai trò nòng cốt trong việc thực hiện.

* PV: Vậy vai trò đó đã được ngành GD-ĐT thực hiện ra sao, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Hằng năm, trước thềm năm học mới, Bộ GD-ĐT đều có công văn quán triệt, chỉ đạo các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ, trung cấp triển khai nghiêm túc BHYT HSSV, bao gồm cả công tác thu và tổ chức thực hiện YTTH. Theo đó, yêu cầu tăng cường tuyên truyền giáo dục cho HSSV và các bậc phụ huynh chính sách, pháp luật về BHYT và vai trò, ý nghĩa của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV; phối hợp với cơ quan BHXH tại địa phương vận động, hướng dẫn tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định; đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT; thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của Quỹ BHYT cho công tác CSSKBĐ tại các cơ sở GD-ĐT theo đúng quy định...

Đồng thời, tham mưu đề xuất UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BHYT trong các cơ sở giáo dục. Có hình thức xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT.

Trong nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với BHXH các địa phương trong tuyên truyền và hướng dẫn chi tiết công tác thu BHYT HSSV, cấp kinh phí CSSKBĐ. Phương thức thu chia thành nhiều đợt cũng được nhiều BHXH tỉnh, thành phố linh hoạt triển khai, thực hiện, giảm sức ép các khoản phải đóng góp vào đầu năm học cho phụ huynh, HSSV.

* Có thể thấy, công tác BHYT HSSV đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HSSV, nhất là SV năm thứ hai trở đi vẫn thờ ơ với việc tham gia BHYT. Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

-  Mặc dù HSSV đã được quy định là nhóm bắt buộc tham gia BHYT nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với những em không tham gia. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV tham gia BHYT dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, SV các trường ĐH, CĐ và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT (chủ yếu chỉ tham gia năm thứ nhất) do nhận thức về giá trị của BHYT của một bộ phận HSSV về BHYT chưa đúng, cho rằng BHYT chưa mang lại lợi ích trong KCB, chủ quan nghĩ mình chẳng bao giờ ốm đau, bệnh tật. Thêm nữa, điều kiện hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gia đình đông con, có hoàn cảnh khó khăn có con em là HSSV không có tiền mua BHYT...

Khó khăn nữa là trong năm học 2018 - 2019, do mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2018 điều chỉnh tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng, dẫn tới mức đóng BHYT của nhóm HSSV tiếp tục có sự điều chỉnh tăng thêm từ 40.950 đồng/tháng lên 43.785 đồng/tháng và theo lộ trình tháng 7/2019 mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1.490.000 đồng/tháng. Mức tăng tuy không nhiều nhưng cũng làm tăng thêm khó khăn đối với những gia đình có thu nhập thấp, đông con đi học.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV ở một số nhà trường còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ sở giáo dục chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV…

* Từ thực tế trên, theo bà, chúng ta cần làm gì để thực hiện tốt hơn nữa công tác BHYT HSSV, đặc biệt, là đối với SV?

- Có thể nói, BHYT HSSV là một chính sách xã hội lớn của Nhà nước, mang đến nhiều lợi ích cho các đối tượng tham gia, do đó, nó thực sự cần thiết và quan trọng đối với môi trường học đường. HSSV và phụ huynh cần nhận thức rõ vai trò của BHYT trong đời sống hàng ngày vốn ẩn chứa không ít rủi ro. Bên cạnh đó, nhà trường và các cơ sở đào tạo cũng cần đề cao công tác tuyên truyền, vận động, tác động vào nhận thức của SV và phụ huynh.

Để sớm hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT đến 100% HSSV, chúng ta đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT đến HSSV và các bậc phụ huynh thông qua Đoàn Thanh niên, Hội SV. Các phương tiện báo chí, truyền thông cũng cần tích cực tuyên truyền về những HSSV được quỹ BHYT chi trả số tiền lớn- đây có thể là điểm nhấn trong các nội dung tuyên truyền.

Ngoài ra, cần tiếp tục đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng trên địa bàn… Đặc biệt, cần giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của HSV cho từng cơ sở giáo dục; lấy đây là tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và việc chấp hành pháp luật của HSSV.

* Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Hằng