Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người khuyết tật được cấp thẻ BHYT
30/12/2022 07:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
"Việc tiếp cận nguồn lực cho người khuyết tật (NKT) còn khó khăn, mới có hơn 1,5 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng có chính sách hỗ trợ; số còn lại chưa được quan tâm nên Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này, nhất là cấp thẻ BHYT..."- đó là đề xuất tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, vừa diễn ra hôm nay (29/12).
Theo ông Tô Đức- Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trong năm 2022, NSNN đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, bao gồm trợ cấp hằng tháng và mua thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội; khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT. Đến nay, cả nước có trên 1,5 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Thực hiện Chương trình trợ giúp NKT và kế hoạch thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT, NSNN đã bố trí kinh phí cho các tổ chức của NKT: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam 3,85 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 0,8 tỷ đồng; Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam 300 triệu đồng; Hội LHPN Việt Nam 350 triệu đồng...
Bên cạnh nguồn lực từ NSNN, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT, điển hình như: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 559 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vận động được hơn 7,5 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật quy ra tiền).
Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp: Hỗ trợ chăm sóc, điều trị, phẫu thuật, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, cấp thẻ BHYT, tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ trợ giúp khác cho NKT, tặng xe đạp và học bổng, trợ giúp tìm việc làm, xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận; hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh hợp quy chuẩn quốc gia, trợ cấp thường xuyên, thăm hỏi, tặng quà, dạy nghề, hỗ trợ vật nuôi cho hộ gia đình có NKT...
Về công tác y tế, đã có trên 3.500 NKT được lập hồ sơ sức khỏe, 2.066 NKT được khám sàng lọc định kỳ; 1.800 NKT được tiếp cận và được cung cấp dịch vụ KCB, điều dưỡng phục hồi chức năng tại các cơ sở KCB, phục hồi chức năng; cung cấp 11.063 dụng cụ trợ giúp cho NKT có nhu cầu; 2.500 NKT được hướng dẫn tại nhà về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; 4.110 NKT và người nhà được tập huấn về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc tại nhà.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đàm- Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, mới đây, Hội có khảo sát đường lên xuống cho xe lăn ở cả 3 cấp chính quyền cho thấy, ở cấp tỉnh chỉ có khoảng 50% có đường xe lăn; cấp huyện là 40%, còn cấp xã thì rất ít. “Nhưng đáng buồn nhất là các công trình xây dựng mới không có đường tiếp cận cho NKT. Việc tiếp cận nguồn lực cho NKT còn khó khăn. Trong số 6,2 triệu NKT nhưng chỉ có hơn 1,5 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng là có chính sách hỗ trợ; số còn lại chưa được quan tâm nên Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này, nhất là cấp thẻ BHYT”- ông Đàm cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc bảo vệ quyền của NKT và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch trợ giúp NKT; một số chính sách trợ giúp NKT được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Trong năm 2023, các bộ, ngành tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và Công ước của LHQ về quyền của NKT; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho NKT; văn bản hướng dẫn giáo dục nghề nghiệp đối với NKT; nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến NKT trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật BHXH (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi); chú trọng tham vấn ý kiến NKT và các tổ chức của NKT để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Tạp chí BHXH
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?