Sửa đổi Luật BHXH phải hướng đến NLĐ

03/04/2023 10:30 AM


Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều điểm mới tiến bộ, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của NLĐ, nên được dư luận rất quan tâm. Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH về những điểm mới này- nhìn từ thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô.

* PV: Ông đánh giá thế nào về những nội dung trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này, nhất là những điểm mới sửa đổi, bổ sung?

- Ông Phan Văn Mến:

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã đáp ứng được một phần sự quan tâm của xã hội. Thứ nhất, đã sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có thời gian tham gia BHXH ngắn, không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH vẫn được hưởng chế độ hưu trí, được quỹ BHXH chăm sóc khi hết tuổi lao động.

Thứ hai, dự thảo lần này cũng sửa đổi quy định trợ cấp BHXH một lần theo hướng khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Với phương án 2 tại Điều 77 (giải quyết tối đa 1/2 tổng thời gian đóng BHXH), thì hằng năm sẽ giữ được nhiều người trong lưới an sinh, tạo điều kiện để họ tiếp tục tham gia và tích lũy đủ thời gian để hưởng lương hưu, hoặc sau tuổi nghỉ hưu có cơ hội được nhận trợ cấp hằng tháng (Điều 29) nếu không tiếp tục nhận BHXH một lần.

Thứ ba, trong dự thảo lần này đã bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện. Quy định này làm tăng sức hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, góp phần tăng diện bao phủ BHXH.
Tuy nhiên, từ thực tế thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn Thủ đô, tôi cho rằng, để việc sửa đổi Luật BHXH đạt các yêu cầu đề ra và cụ thể hóa được các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, thì chúng ta vẫn cần tiếp tục nghiên cứu một số nội dung.

* Vậy, một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu là gì và vì sao cần tiếp tục nghiên cứu, thưa ông?

- Tại Điểm a, Khoản 1 Điều 47 của Dự thảo Luật về “Thời gian hưởng chế độ ốm đau” nêu: “Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên”. Đề nghị sửa thành: “Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng đủ từ đủ 30 năm đến dưới 35 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 35 năm trở lên”.

Còn tại Điểm b, Khoản 1, Điều 47 của Dự thảo Luật nêu: “Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên”. Đề nghị sửa thành: “Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm đến dưới 35 năm; 80 ngày nếu đã đóng đủ từ 35 năm trở lên”.
Lý do là, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi. Do vậy, để phù hợp với quá trình đóng-hưởng của NLĐ, đề nghị tăng số ngày hưởng chế độ ốm đau.

Về mức hưởng chế độ ốm đau, tại Điểm a, Khoản 2 Điều 49 của Dự thảo Luật nêu: “Bằng 65% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên”. Đề nghị sửa thành: “Bằng 70% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 35 năm trở lên; bằng 65% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm đến dưới 35 năm trở lên”.

Lý do là vì, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi. Do vậy, để phù hợp với quá trình đóng-hưởng của NLĐ, đề nghị sửa đổi tăng tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau để tương ứng với thời gian công tác của NLĐ khi thực hiện theo quy định tuổi nghỉ hưu...

* Quy định hưởng BHXH một lần cũng là một trong những nội dung được nhiều NLĐ quan tâm. Ông có thể nói rõ về những thay đổi trong quy định này?

- Tại Điều 77, về BHXH một lần, Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Cụ thể: Phương án 1- sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Phương án 2- sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Chúng tôi đề xuất bỏ Phương án 1; đồng thời sửa đổi Phương án 2 theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng, vì NLĐ chỉ hưởng tối đa trên 1/2 tổng thời gian đóng BHXH, nên vẫn trong diện bao phủ BHXH và khi về già vẫn có khoản trợ cấp để trang trải cuộc sống. Sau khi nghỉ việc, một bộ phận NLĐ thực sự cần tiền để phục vụ nhu cầu cấp bách nên cần được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng phải tìm đến “tín dụng đen” gây mất trật tự an toàn xã hội.

Trong khi đó, cơ quan BHXH đã ứng dụng công nghệ vào quản lý, nhưng vẫn còn tình trạng NLĐ bị vi phạm vào thời hạn 12 tháng- do tại thời điểm giải quyết đã đảm bảo đúng quy định nhưng đơn vị SDLĐ báo tăng sau khi cơ quan BHXH đã giải quyết (căn cứ Khoản 1, Điều 99 Luật BHXH 2014: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết HĐLĐ, đơn vị mới phải đăng ký tham gia BHXH; do thanh tra, kiểm tra; do HĐLĐ có điều khoản thử việc...).

Chúng tôi cũng đề nghị bổ sung điều kiện hưởng BHXH một lần: Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 31- công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, để đảm bảo tất cả các đối tượng đều được quy định trong Luật BHXH.

* Hiện có nhiều ý kiến về quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

- Điều 75 Dự thảo Luật về “Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu” nêu: “NLĐ có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Phương án 1- Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Phương án 2- Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Đối với trường hợp NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này mà tiếp tục đóng BHXH, thì mỗi năm đóng sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Do đó, theo tôi nên bỏ Phương án 1, thực hiện theo Phương án 2 để đảm bảo sự công bằng giữa người đã hưởng BHXH một lần, sau đó có đủ thời gian tham gia BHXH tương ứng với tỷ lệ 75% với người có số năm tham gia BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Châu (Thực hiện)