Bộ Y tế đề xuất gói BHYT bổ sung song hành cùng BHYT bắt buộc

01/04/2024 11:43 AM


Trong dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế đề xuất quy định gói BHYT bổ sung nhằm giúp người dân có thêm sự lựa chọn, hỗ trợ tốt hơn trong khám chữa bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo, bệnh điều trị dài ngày.

Hiện nay, Việt Nam có hai hình thức BHYT, trong đó BHYT bắt buộc không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT. Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo quy định, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng.

Còn BHYT thương mại là sản phẩm của các công ty bảo hiểm, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, được thiết kế phù hợp với mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo điều kiện và nhu cầu của người đó.

Bộ Y tế đề xuất quy định gói BHYT bổ sung nhằm giúp người dân có thêm sự lựa chọn, hỗ trợ tốt hơn trong khám chữa bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo, bệnh điều trị dài ngày (Ảnh minh họa)

Trong Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế có đề xuất liên quan đến 2 hình thức BHYT này. Dự thảo luật nêu rõ quy định chính sách BHYT bổ sung mang tính tự nguyện do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định. Trong đó, việc tham gia BHYT bắt buộc là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.

Theo đó, dự kiến người tham gia BHYT bổ sung được tích hợp thông tin trên thẻ BHYT bắt buộc khi đi KCB. Phạm vi được hưởng BHYT bổ sung không trùng với phạm vi và mức hưởng của BHYT bắt buộc, người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.

Đơn cử, BHYT bổ sung sẽ chi trả cho các dịch vụ như khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người già, khám - chẩn đoán, sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh… Tổ chức cung cấp BHYT bổ sung sẽ được cơ sở KCB cung cấp dữ liệu về tình trạng của bệnh nhân, chi phí sử dụng dịch vụ y tế liên quan phục vụ việc chi trả quyền lợi cho người tham gia. Đặc biệt, không được có quy định loại trừ người dân (chỉ ký hợp đồng với người khỏe). Tất cả người đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tham gia BHYT bổ sung…

Hiện nay, Bộ Y tế và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Với dự thảo lần này có nhiều điểm mới, vừa thuận tiện trong quá trình triển khai vừa nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia… để hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Thực hiện BHYT toàn dân được xác định là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam. Bộ Y tế cho biết thời gian dự kiến trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024.

PV