BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT và kỷ niệm 30 năm ngày thành lập
11/02/2025 07:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 10/2, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT và kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (16/2/1995-16/2/2025).
Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam; cùng dự có Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường; nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Chủ tịch HĐQL BHXH Hồ Tế; nguyên Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; các Phó Tổng Giám đốc, các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội đồng quản lý BHXH, nguyên lãnh đạo Ngành qua các thời kỳ. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 BHXH cấp tỉnh, hơn 600 BHXH cấp huyện, với sự tham dự của lãnh đạo và nguyên lãnh đạo BHXH các tỉnh qua các thời kỳ.
Dấu mốc quan trọng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: Trong không khí vui tươi, phấn khởi đón mùa Xuân mới, Xuân Ất Tỵ năm 2025- một năm có ý nghĩa rất quan trọng với nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như: Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Đây còn là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu khai mạc Hội nghị
Đối với ngành BHXH Việt Nam, năm 2025 cũng là thời điểm Ngành trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển; là năm mà Luật BHXH số 41/2024/QH15 và Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT- là các văn bản quan trọng- 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội có hiệu lực thi hành.
BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai chính sách BHXH, BHYT và Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập ngành BHXH Việt Nam cũng là dịp để các thế hệ Lãnh đạo, CCVC, NLĐ toàn Ngành cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào về những thành tựu đã đạt được, đồng thời tiếp thêm động lực cho sự nghiệp ASXH.
Hội nghị là cơ hội để tri ân, cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế đối với ngành; sự cống hiến của các thế hệ cán bộ CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam, những người đã trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển ngành BHXH Việt Nam.
“Toàn Ngành đã xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT trên cơ sở nền tảng, tiền đề phát huy truyền thống, di sản của các thế hệ Ngành BHXH Việt Nam, đó là tinh thần “đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm và tâm huyết”, “đồng sức, đồng lòng” vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trong chặng đường tới; góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh thông điệp.
Điểm lại dấu ấn vào ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 19/CP chính thức thành lập BHXH Việt Nam. Ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc khẳng định: Đây là những văn bản quan trọng, tạo tiền đề cho việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta và cũng là cơ sở cho sự phát triển của ngành BHXH Việt Nam.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam luôn chủ động bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ban, ngành Trung ương, cùng cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; bám sát thực tiễn, kịp thời có phương án, giải pháp “từ sớm, từ xa”; với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm”, “lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm thước đo của sự phục vụ”, Ngành đã hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc toàn diện các mặt công tác và các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Trong đó nổi bật là góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, NLĐ tham gia và mở rộng phạm vi thụ hưởng và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia. Tỷ lệ và số người tham gia BHXH mở rộng một cách bền vững và tăng nhanh qua các năm. Số người tham gia đến nay tăng 9 lần so với năm 1995, chiếm 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHXH tự nguyện do ngành BHXH Việt Nam tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động khoảng 2,31 triệu người, đạt khoảng 4,9% LLLĐ trong độ tuổi, vượt so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 28 của Đảng. Tỷ lệ và số người tham gia BHYT tăng nhanh, tiệm cận BHYT toàn dân: Đến nay, tăng 13,4 lần so với năm 1995, tương ứng hơn 94,2% dân số. Trong đó, số người tự đóng một phần và toàn phần do ngành BHXH Việt Nam tập trung tuyên truyền, vận động liên tục, bền bỉ trong suốt thời gian qua là 48,201 triệu người, chiếm khoảng 47,6% dân số.
Ngành BHXH Việt Nam trực tiếp giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho từng người tham gia và thụ hưởng với số lượng lớn, khoảng 100 triệu dân, trong đó có trên 94,2% dân số hưởng BHYT.
Mỗi năm, bình quân, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện quản lý và chi trả cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, thực hiện chi trả cho hơn 15,6 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH một lần, ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; các chế độ BHTN và trên 40 triệu người, cho gần 200 triệu lượt người KCB BHYT.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đẩy mạnh: Năm 2024, BHXH Việt Nam là một trong 7 cơ quan hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân; xếp thứ 3 trong khối các bộ, ngành về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
“Những thành tựu này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực không ngừng và sự cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam qua từng thời kỳ. Không chỉ tạo ra những giá trị thiết thực mà ngành BHXH Việt Nam còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Những kết quả đạt được không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực mạnh mẽ để toàn Ngành tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới những mục tiêu cao hơn, vì một hệ thống an sinh xã hội ngày càng vững chắc, toàn diện và nhân văn”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Giám đốc, chiến lược phát triển ngành BHXH đến năm 2030 xác định mục tiêu phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, hướng tới chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo sự thụ hưởng đầy đủ mọi quyền lợi của người tham gia; hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ; mở rộng, phát triển diện bao phủ một cách bền vững, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Trong bối cảnh mới, ngành BHXH Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức đan xen, như: Hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), cùng những vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu và an ninh phi truyền thống và cả trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn, người dân và doanh nghiệp.
Ngành BHXH Việt Nam cam kết tiếp tục góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên của đổi mới, hiện đại và phát triển bứt phá; tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan và bám sát các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030.
Chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, phát huy truyền thống, sức mạnh toàn Ngành, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, mở rộng bền vững độ bao phủ tiến tới BHXH, BHYT toàn dân như mục tiêu tại các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Thứ ba, quản lý các quỹ an toàn, bền vững, hiệu quả; tối ưu hóa các quỹ; đảm bảo đầy đủ quyền lợi người tham gia và phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp với thủ tục cải cách nhất, đơn giản nhất và nhanh nhất gắn với cải cách mạnh thủ tục hành chính và chuyển đổi số mạnh mẽ, lấy cơ sở dữ liệu lớn của Ngành là cơ sở, là căn cứ để quản trị Ngành, tương tác, giao dịch thường xuyên 24/7 với người dân, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông theo hướng phong phú, linh hoạt, đa dạng; bám sát cơ sở và diễn biến thực tiễn để người dân hiểu rõ, tin tưởng, tham gia; chấp hành tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Thứ năm, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các Nghị quyết của Trung ương, của Ban Chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cấp; sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
Với kết quả đạt được qua nhiều thế hệ được Đảng, Nhà nước, các ngành các cấp và Nhân dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao cùng với di sản mà các thế hệ cán bộ, CC, VC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam đã vun đắp, xây dựng là “đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm và tâm huyết”, vượt qua mọi khó khăn thử thách, nỗ lực đổi mới. Thế hệ hiện nay tự hào, tự tin tiếp bước và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; vững bước cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
“Ngành BHXH Việt Nam cam kết tiếp tục góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên của đổi mới, hiện đại và phát triển bứt phá”, Tổng Giám đốc khẳng định.
Nhiều dấu ấn nổi bật qua chặng đường 30 năm
Chính sách BHXH, BHYT ra đời và phát triển gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước. Trong từng giai đoạn lịch sử, chính sách BHXH đã được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ và người dân.
Cụ thể, chính sách BHXH, BHYT đã qua các qua giai đoạn phát triển với các dấu mốc quan trọng như: Giai đoạn 1995 - 2005: Đổi mới chính sách BHXH, BHYT; giai đoạn 2002- 2005: Hợp nhất bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; giai đoạn 2006- 2015: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; giai đoạn 2016 - nay: Bứt phá trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT toàn dân; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số hướng tới phương châm “lấy sự hài lòng của người dân là thước đo; xác định người dân, NLĐ, đơn vị sử dụng lao động là trung tâm của sự phục vụ”.
30 năm qua (1995-2025), ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Bên cạnh đó, ngành BHXH tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy vai trò “then chốt” từ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố với 100% các xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; 34/63 tỉnh đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, 62/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương; 23/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện (chưa bao gồm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở), 63/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT…
Sau 30 năm tổ chức thực hiện nhiệm vụ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy truyền thống đoàn kết, cố gắng nỗ lực của tập thể CCVC, NLĐ toàn Ngành qua nhiều thế hệ, ngành BHXH đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Số người tham gia BHXH tăng từ 2,276 triệu người (năm 1995) đạt 20,159 triệu người, chiếm 42,71% LLLĐ trong độ tuổi (năm 2024); vững vàng tiến tới đạt mục tiêu theo lộ trình tại Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện do ngành BHXH Việt Nam tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động tăng nhanh chóng; từ 6,11 nghìn người (năm 2008) lên 1,12 triệu người năm 2020 và đạt 2,31 triệu người vào năm 2024 (tăng 2 lần so với năm 2020) tương ứng 4,9% LLLĐ trong độ tuổi (là nông dân và lao động khu vực phi chính thức; vượt 2,3% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW).
Đến hết năm 2024, số người tham gia BHYT đạt 95,52 triệu người, chiếm 94,29% dân số, cơ bản đã đạt mục tiêu tại Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, số người tự đóng một phần và toàn phần do ngành BHXH Việt Nam tập trung tuyên truyền, vận động liên tục, bền bỉ trong suốt thời gian qua là 48,2 triệu người, đạt khoảng 47,6% dân số.
Số người tham gia BH thất nghiệp đạt 16,133 triệu người, chiếm 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; vững vàng tiến tới đạt mục tiêu theo lộ trình tại Nghị quyết 28-NQ/TW (Từ ngày 01/01/2009, các quy định về BH thất nghiệp bắt đầu có hiệu lực theo Luật BHXH năm 2006, năm 2009, có 5,99 nghìn người tham gia BH thất nghiệp, chiếm 13,3% LLLĐ trong độ tuổi).
BHXH Việt Nam đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung phương thức thu, căn cứ đóng và mức đóng, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Số thu từ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đã liên tục tăng trưởng qua các năm, với số thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến cuối năm 2024, tổng số thu BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đạt 552.242 tỷ đồng, tăng 15,43% (73.803 tỷ đồng) so với năm 2023.
Ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành và thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Qua đó, công tác thanh tra đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển người tham gia, tăng thu, quản lý thu hồi nợ và ngăn ngừa hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ.
Từ năm 1995 đến hết năm 2024, lực lượng thanh tra, kiểm tra Ngành BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 340.142 đơn vị. Yêu cầu truy thu 1.903.506 triệu đồng tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; kiến nghị thu hồi 151.033 triệu đồng về quỹ BHXH, 24.320 triệu đồng về quỹ BH thất nghiệp và 1.493.650 triệu đồng về quỹ BHYT. Đồng thời, đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 7.086 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT với tổng số tiền xử phạt là 289.294 triệu đồng.
Từ năm 2016, với chức năng thanh tra chuyên ngành, công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành đã đạt hiệu quả cao hơn. Trong giai đoạn 2016-2024, toàn ngành đã tổ chức 128.433 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 199.847 đơn vị; qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị truy thu đối với hơn 624.000 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức đóng; kiến nghị truy thu, thu hồi về quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hơn 23 nghìn tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện khắc phục trên 18 nghìn tỷ đồng, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong thời gian qua.
Cũng trong 30 năm qua, công tác truyền thông được triển khai bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả, với nội dung, hình thức, phương pháp ngày càng đa dạng, sáng tạo, và phù hợp với thực tiễn và đặc thù từng nhóm đối tượng. Kết hợp truyền thông trực tiếp và trực tuyến, tận dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên nền tảng Internet để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về chính sách BHXH, BHYT.
Công tác hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của BHXH Việt Nam được triển khai hiệu quả thông qua Hệ thống hỗ trợ, giải đáp, tư vấn đa kênh, hoạt động từ tháng 8/2017, bao gồm Tổng đài 1900.9068, Chatbot, Cổng thông tin điện tử, fanpage và email. Giai đoạn từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2024, Hệ thống đã tiếp nhận, hỗ trợ cho gần 4,5 triệu lượt tổ chức, cá nhân; trung bình mỗi năm hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho trên 1 triệu lượt.
BHXH Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, đồng thời tăng cường sự minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý. Năm 1995, toàn ngành đã giải quyết cho 976 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng, năm 2024 khoảng 113 nghìn người, tương đương mức tăng gần 116 lần so với năm 1995. Tính đến cuối năm 2024, tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng đạt hơn 3,3 triệu người; có khoảng 1,3 triệu người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng 10,2 lần so với năm 2000; số lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe khoảng 8,8 triệu, tăng 8 lần so với năm 2000. Tổng cộng, từ năm 1995 đến hết năm 2024, ngành BHXH đã giải quyết hơn 172 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH và các chế độ khác liên quan.
Từ năm 2010 đến hết năm 2024, tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt gần 10,7 triệu người, với trung bình hơn 700 nghìn người/năm. Đặc biệt trong năm 2021 và năm 2022 thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/09/2021 của Chính phủ, quỹ BH thất nghiệp chi trả cho người hưởng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khoảng 31.827 tỷ đồng.
Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng liên tục qua các năm. Trong 15 năm qua, đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT. Năm 2024, số lượt KCB BHYT đạt 183,6 triệu, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Hiện nay, cả nước có gần 13 nghìn cơ sở KCB BHYT, bao gồm 2.897 cơ sở KCB và gần 10.000 trạm y tế xã tham gia BHYT. Kể từ khi Luật BHYT có hiệu lực vào năm 2009, trong 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho KCB BHYT; số chi KCB BHYT năm 2024 là gần 143 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư quỹ được BHXH Việt Nam thực hiện hiệu quả, tuân thủ Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Việc làm, Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính và phương án đầu tư quỹ được Hội đồng quản lý BHXH thông qua. Công tác đầu tư được đánh giá an toàn và hiệu quả, góp phần bảo đảm chi trả các chế độ, đặc biệt là chế độ hưu trí. Quỹ BHXH là quỹ tài chính công ngoài ngân sách lớn nhất, đóng vai trò tích cực trong đáp ứng nhu cầu huy động vốn của ngân sách nhà nước, hỗ trợ Chính phủ trong thực hiện chính sách tài chính vĩ mô, ổn định tài chính quốc gia, cơ cấu lại nợ công, tiết kiệm chi phí vay ODA, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Ngành BHXH chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục, giấy tờ, hồ sơ, biểu mẫu, thời gian thực hiện; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ TTHC nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa, đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất). Từ 263 thủ tục năm 2009, ngành đã giảm 238 thủ tục, xuống còn 25 thủ tục (năm 2024, tương đương giảm 90,5%).
BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng. Hiện nay, 100% người hưởng các chế độ này và trên 80% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại khu vực đô thị đã được chi trả qua tài khoản ngân hàng. Trong thời gian dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã chi trả đầy đủ và kịp thời cho 13,3 triệu NLĐ, đồng thời, triển khai các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH và BH thất nghiệp cho NLĐ, người SDLĐ bị ảnh hưởng.
Trong giai đoạn gần đây, BHXH Việt cũng liên tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực nghiệp vụ của Ngành. Với lợi thế về hệ thống CSDL lớn thường xuyên được làm giàu, BHXH Việt Nam tập trung nguồn lực, điều kiện cần thiết, quyết liệt đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số mạnh mẽ trong từng lĩnh vực công tác của Ngành trên cơ sở nền tảng hạ tầng CNTT sẵn có. Việc triển khai thực hiện Đề án 06 của BHXH Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là đã kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về BHXH, xác thực hơn 99,8 triệu thông tin nhân khẩu. Dữ liệu này được bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống", là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính.
Đặc biệt, với việc 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB bằng VssID, VNeID và thẻ CCCD gắn chip, “chưa bao giờ người dân đi KCB thuận lợi như bây giờ”. Người bệnh chỉ cần sử dụng CCCD gắn chíp hoặc VneID để làm thủ tục KCB, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho người bệnh, cán bộ y tế, đồng thời, cơ quan BHXH tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chip hoặc với hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Vneid, VssID, thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký KCB chỉ mất khoảng 6-15 giây.
Ứng dụng VssID - BHXH số được nâng cấp liên tục, với các tiện ích như giám sát việc đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, giúp NLĐ bảo vệ quyền lợi và ngăn chặn hành vi trục lợi quỹ BHXH. Sau hơn 4 năm triển khai, VssID đã trở thành công cụ quan trọng trong công tác chuyển đổi số của ngành, giúp người dùng tra cứu thông tin, thực hiện DVC trực tuyến và giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT của đơn vị SDLĐ.
Chuyển đổi số đã giúp BHXH Việt Nam duy trì vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, đồng thời tối ưu hóa quản lý và chi trả chế độ nhanh chóng và chính xác.
Ngoài ra, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của ngành BHXH Việt Nam trong 30 năm qua đã luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được giao theo Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2013-2020 và cụ thể hóa trong Chiến lược hội nhập quốc tế của ngành đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. BHXH Việt Nam hiện là thành viên chính thức của Hiệp hội ASXH ASEAN (ASSA) và Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA), đóng góp tích cực vào các diễn đàn quốc tế về ASXH. Tăng cường hợp tác với các cơ quan ASXH các nước, tham gia đàm phán các điều ước quốc tế, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao chất lượng chính sách BHXH, BHYT. Phát triển các kênh thông tin đối ngoại đa phương tiện, đa ngôn ngữ, ứng dụng CNTT để tăng hiệu quả truyền thông và xây dựng kênh đối thoại với các doanh nghiệp FDI. Tích cực khai thác các hoạt động đào tạo quốc tế, nâng cao năng lực cán bộ ngành BHXH Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Nhờ sự linh hoạt và sáng tạo trong công tác đối ngoại, BHXH Việt Nam đã khẳng định vị thế và hình ảnh là đối tác tin cậy trong cộng đồng ASXH thế giới. Các quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy cải cách và phát triển ngành BHXH Việt Nam.
Đổi mới, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy
Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng đã báo cáo quá trình thực hiện các nội dung công việc theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ có Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 1049/KH-BHXH về việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam, Lãnh đạo Ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố nghiêm túc quán triệt thực hiện Nghị quyết.
Trên cơ sở các điều kiện về hiện trạng nguồn nhân lực, hệ thống dữ liệu tập trung đã hình thành, quy trình nghiệp vụ gắn với ứng dụng CNTT, để cụ thể hóa thành các văn bản, kế hoạch thực hiện, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị, của đảng viên, CCVC đối với việc tinh gọn tổ chức bộ máy ngành BHXH Việt Nam.
Trong giai đoạn 2019- 2024, BHXH Việt Nam đã xây dựng đề án: “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 10/7/2019. Với bộ máy theo Đề án 856, gắn trong bối cảnh điều kiện về nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin các quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014… việc thực hiện nghị quyết của Đảng về Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được chú trọng thường xuyên, liên tục đến nay và đã góp phần quan trọng để ngành BHXH hoàn thành nhiệm vụ mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật.
Ngày 19/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo TW về sắp xếp tổ chức bộ máy. Sau đó, ngày 01/12/2024, Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Tại Mục 2.2 Khoản 2 Phần III Nghị quyết số 18-NQ/TW, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương đã chỉ đạo:“… Đối với một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, BHXH... tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế…”.
Trong bối cảnh hiện nay, BHXH Việt Nam đang phải thực hiện nhiều nhiệm vụ đặt ra theo định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, phải chuẩn bị để thực hiện Luật số BHXH số 41/2024/QH15, Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống BHXH đã được nâng lên một bước đáng kể, tạo động lực mạnh mẽ cho việc đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của ngành BHXH.
BHXH Việt Nam là một trong những cơ quan được giao nhiệm vụ cụ thể hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia trong Đề án 06 của Chính phủ, hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã liên thông 99% với cơ sở dữ liệu về dân cư, liên thông với dữ liệu quản lý hộ tịch của các địa phương….
Ngành đã tiếp nhận và giải quyết các quyền lợi của người dân không phụ thuộc vào địa giới hành chính; người dân có thể sử dụng CCCD hoặc tài khoản VneID khi đi KCB BHYT, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đạt tỷ lệ 80%, chi trả trợ cấp thất nghiệp và ốm đau thai sản trên 99%. Nhiều người dân đã sẵn sàng sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để nộp hồ sơ thủ tục hành chính ở mọi nơi, mọi lúc, đây là minh chứng rõ ràng cho thấy năng lực chuyển đổi số của người dân đã được nâng cao, đồng thời khẳng định hiệu quả của các chính sách và nỗ lực chuyển đổi số của ngành BHXH. Năm 2024, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận 118.500.000 hồ sơ, trong đó qua giao dịch điện tử đạt 90%.
Tổng Giám đốc và lãnh đạo ngành cũng đã báo cáo giải trình kịp thời với các cấp có thẩm quyền về những đặc thù của ngành như: Quản lý 5 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách lớn nhất, mà cơ chế tạo lập hình thành và phân phối sử dụng khác biệt với NSNN và các quỹ tài chính khác; độ bao phủ tuy tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, nhất là đối với khoảng 48 triệu người tham gia BHYT tự đóng toàn bộ và 1 phần, 2,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền vận động, thuyết phục, thậm chí chắt chiu từng người để đưa vào lưới an sinh, mà nếu không tiếp tục quan tâm theo dõi, đôn đốc, huy động các nguồn lực hỗ trợ mức đóng thì độ bao phủ khó bền vững.
Cũng có những khó khăn nhất định khi thực hiện tinh gọn thành BHXH khu vực và liên huyện, nhưng với các lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực 100% các vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ ở BHXH các cấp có thể truy cập xử lý công việc trên môi trường điện tử, làm chủ các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu tập trung, thành quả ứng dụng CNTT, quy trình nghiệp vụ liên thông từ đầu vào, theo dõi, quản lý đến đầu ra của chính sách cộng với quyết tâm chính trị và niềm tự hào truyền thống 30 năm.
Thực hiện định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ tại Kế hoạch số 141 ngày 6/12/2024. Theo đó, cơ cấu BHXH Việt Nam vào Bộ Tài chính, tổ chức lại thành 1 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính. Thực hiện phương án này, về cơ bản vẫn tạo điều kiện cho BHXH Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ có tính độc lập như hiện nay. Cán bộ hệ thống BHXH vẫn được cống hiến cho sự nghiệp ASXH, vẫn có ngôi nhà thân yêu mà các thế hệ trong đó cá nhân mình góp phần xây đắp nên.
Về hệ thống tổ chức, tại BHXH Việt Nam ở Trung ương, cơ cấu lại 21 đơn vị thành 14 đơn vị trực thuộc. Tại cấp tỉnh, cơ cấu lại đầu mối bên trong của 63 BHXH cấp tỉnh thành 35 BHXH khu vực. Tại cấp huyện, cơ cấu lại 640 BHXH cấp huyện thành 350 BHXH huyện hoặc liên huyện.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ chính trị, Chính phủ, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam xác định việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức ngành BHXH Việt Nam là nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành. Tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Hơn lúc nào hết chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết và trách nhiệm xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững. Là lúc cần tư duy mới trong bối cảnh mới, mô hình tổ chức bộ máy mới, về tính chuyên nghiệp, làm chủ công cụ hiện đại, cải tiến quy trình nghiệp vụ, cải cách hành chính, phân quyền phân cấp rõ cho từng cấp quản lý, tối ưu hóa nguồn nhân lực, thậm chí có những lĩnh vực nghiệp vụ phải tư duy lại cách quản lý hiện nay để cải tiến phù hợp với mô hình mới.
Đồng thời với việc đề xuất, xây dựng cơ chế quan tâm, động viên, chăm lo về chế độ chính sách với CCVC, NLĐ chịu tác động của sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và chú trọng nâng cao đời sống cán bộ thông qua phân phối tiền lương thu nhập gắn với năng suất chất lượng hiệu quả lao động.
“Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngành, BHXH Việt Nam tiếp tục bày tỏ sự quyết tâm cao nhất trong thực hiện chủ trương đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đồng thời, động viên CCVC và NLĐ trong toàn Ngành đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Ngành BHXH hướng tới mục tiêu Tinh - Gọn - Chuyên nghiệp, hiện đại - Hiệu lực - Hiệu quả. Tiếp tục phát triển bền vững độ bao phủ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ các nguồn kinh phí, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị; phục vụ tốt nhất nhân dân; góp phần quan trọng giữ vững trụ cột an sinh của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Vững bước hướng tới các mục tiêu phát triển mới
Đại diện cho các thế hệ nguyên lãnh đạo, nguyên Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh bày tỏ niềm xúc động, gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn ngành nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam.
Nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng bày tỏ niềm tự hào với những kết quả tổ chức thực hiện BHXH, BHYT trong những năm gần đây; đặc biệt là tỷ lệ bao phủ BHYT tới gần 95% dân số. Qua nắm bắt thông tin, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta, trong đó, trụ cột là BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo đời sống, chăm sóc sức khỏe cho người dân rất thiết thực. Chúng ta cũng đạt được gần 5% lực lượng lao động là nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
Nguyên Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu
“Đây là những con số hết sức ấn tượng và rất đỗi tự hào về ngành BHXH”, nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh bày tỏ.
Về chặng đường 30 năm, nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho rằng, đây là giai đoạn mà ngành BHXH Việt Nam đã tích lũy được bề dày kinh nghiệm, đang có sức sống phát triển mạnh mẽ nhất; là động lực để toàn ngành tiếp tục phấn đấu đạt các mục tiêu cao hơn.
Cũng tương tự như cách đây gần 30 năm, toàn ngành đang được trước sự đổi mới để tiếp tục phát triển. Còn nhiều khó khăn, thử thách trước mắt, khối lượng công việc ngày càng nhiều... Nhưng chính trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ có nhiều sáng kiến, tư duy mới để tạo sự đột phá, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp về tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ cán bộ của ngành BHXH Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng đồng thời nhấn mạnh, cần nêu cao sự tiên phong, đoàn kết, trách nhiệm trong toàn ngành để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Lĩnh vực BHXH, BHYT vô cùng ý nghĩa, là nhu cầu thiết yếu của người dân, là thước đo sự ưu việt của chế độ. Chắc chắn, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo BHXH, BHYT; chắc chắn những tâm huyết, trách nhiệm và cả những đề xuất, sáng kiến của ngành sẽ được ghi nhận.
“Toàn ngành tiếp tục nỗ lực để vượt qua khó khăn. Chắc chắn ngành BHXH Việt Nam sẽ có nhiều bước phát triển với sự đột phá mới”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh bày tỏ.
Đại diện cho thế hệ cán bộ trẻ của ngành BHXH Việt Nam, anh Đào Đình Xuân- Bí thư Đoàn thanh niên cơ quan BHXH Việt Nam gửi lời tri ân sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo BHXH Việt Nam, cùng toàn thể cán bộ, CCVC và người lao động qua các thời kỳ- những người đã dày công xây dựng, cống hiến và phát triển Ngành BHXH, đặt nền móng vững chắc để thế hệ trẻ chúng tôi tiếp bước, tiếp tục gìn giữ và phát huy.
Tuổi trẻ BHXH Việt Nam tự hào được kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước. Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, tuổi trẻ là lực lượng xung kích, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, là nguồn năng lượng dồi dào góp phần vào sự phát triển chung của Ngành.
Với sức trẻ và nhiệt huyết, luôn kiên định với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành trong thời kỳ đổi mới.
Chủ động, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức làm việc để nâng cao chất lượng phục vụ. Đồng thời, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ vững tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
“Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ BHXH Việt Nam luôn xung kích, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đóng góp trí tuệ và sức lực vào sự nghiệp xây dựng ngành BHXH Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Vì mục tiêu an sinh xã hội - Vì hạnh phúc của nhân dân”, Bí thư Đoàn thanh niên Cơ quan BHXH Việt Nam bày tỏ.
Ghi nhận nỗ lực, cố gắng của nhiều tập thể, cá nhân
Cũng tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân thuộc ngành BHXH Việt Nam đã vinh dự được trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng cao quý.
Cụ thể, trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, BHXH tỉnh Sơn La, BHXH tỉnh Kon Tum; Trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh.
Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Lò Quân Hiệp- Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh; ông Dương Văn Thắng- Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre.
Trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba với các cá nhân: ông Đinh Gia Tăng- Giám đốc BHXH tỉnh Lai Châu; ông Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La; bà Lò Thị Hoán- Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên; ông Bùi Minh Đức- Giám đốc BHXH TP.Hải Phòng; ông Hoàng Văn Minh- Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An; ông Vũ Mạnh Chữ- Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum; ông Nguyễn Văn Huấn- Giám đốc BHXH tỉnh Tây Ninh; bà Trần Thị Hương- Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương; ông Đàm Lực Sĩ- Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng; ông Lâm Thanh Thiên- Phó Giám Đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng; ông Nguyễn Hoàng Các- Phó Giám Đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng; ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM; bà Nguyễn Thị Ngọc- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La; ông Vũ Đức Khiên- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương.
Tại các điểm cầu địa phương, tổ chức công bố và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì với ông Hồ Sỹ Nam- nguyên Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Trị; ông Đinh Văn Hiệp- nguyên Giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng; ông Phạm Thanh Tùng- nguyên Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình.
Trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể: Phòng Kế hoạch- Tài chính, BHXH tỉnh Thanh Hóa; Phòng Kế hoạch- Tài chính, BHXH tỉnh Sóc Trăng.
Đồng thời, trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân: Bà Phạm Thị Mỹ- nguyên Phó Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang; ông Vũ Đức Thuật- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội; bà Trần Thị Hoa- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hòa Bình; ông Lê Đình Tuấn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Xuân Cao- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước; ông Trần Văn Khải- Phó Giám đốc BHXH TP.Cần Thơ; ông Ngô Võ Lược-Trưởng Phòng Thanh tra- Kiểm tra, BHXH tỉnh Hòa Bình; bà Trương Huỳnh Xuân Bình- Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, BHXH tỉnh Kiên Giang; ông Vũ Hồng Thái- Giám đốc BHXH huyện Lương Sơn, BHXH tỉnh Hòa Bình; bà Phạm Thị Thanh Nguyên- Giám đốc BHXH huyện Kim Bảng, BHXH tỉnh Hà Nam; bà Phạm Thị Bẩy- Giám đốc BHXH huyện Gia Lộc, BHXH tỉnh Hải Dương; bà Lâm Thị Hiên- Giám đốc BHXH huyện Hòa Bình, BHXH tỉnh Bạc Liêu; bà Nguyễn Thị Nhỏ- Phó Giám đốc BHXH huyện Gò Công Đông, BHXH tỉnh Tiền Giang; ông Châu Trấn Lợi- Phó Giám đốc BHXH huyện Hòa Bình, BHXH tỉnh Bạc Liêu.
Tại Hội nghị, trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể, cá nhân thuộc BHXH Việt Nam; bao gồm: Vụ Tổ chức cán bộ; ông Đỗ Mạnh Hà- Vụ trưởng Vụ Thi đua- Khen thưởng; ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến; bà Nguyễn Thị Ngọc- Giám đốc Trung tâm Lưu trữ.
Tiếp tục vững vàng thực hiện sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội
Phát biểu kết thúc Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh bày tỏ lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội đồng quản lý BHXH; lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam qua các thời kỳ; cùng toàn thể cán bộ, CCVC và NLĐ ngành BHXH Việt Nam qua các thời kỳ đã dành thời gian tham dự, động viên và chúc mừng các thành tựu đạt được của ngành BHXH Việt Nam trong 30 năm qua.
“Từ những thước phim, hình ảnh, những đánh giá, chia sẻ, đóng góp của các cán bộ, lãnh đạo trong và ngoài Ngành; thay mặt Lãnh đạo Ngành, tôi xin trân trọng cảm ơn và tiếp thu để triển khai thành những hành động cụ thể. Chúng tôi phấn khởi và nhận thức đây là những kết quả, là động lực, là sự tự hào mà các thế hệ đã dày công vun đắp”, Tổng Giám đốc bày tỏ.
Theo Tổng Giám đốc, trong thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới đan xen tác động trực tiếp đến hoạt động của Ngành BHXH. Trong bối cảnh đó, Ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, di sản của các thế hệ Ngành BHXH Việt Nam đi trước để lại, đó là tinh thần “đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm và tâm huyết”, “đồng sức, đồng lòng” vượt qua mọi khó khăn thử thách, nỗ lực đổi mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
“Chúng ta tự hào về quá trình xây dựng và trưởng thành trong 30 năm qua, vững bước trong hiện tại và đầy tự tin, khát vọng cho tương lai. Với sự đồng lòng, quyết tâm của các thế hệ, tôi tin chắc rằng ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục vững vàng thực hiện sứ mệnh cao cả– bảo đảm an sinh xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, BHXH tỉnh Sơn La, BHXH tỉnh Kon Tum; Trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh
Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Lò Quân Hiệp- Giám đốc BHXH TP.HCM và ông Dương Văn Thắng- Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre
Trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân
Trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ với các tập thể, cá nhân
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tặng hoa, quà tri ân các cán bộ nguyên lãnh đạo Hội đồng Quản lý BHXH, nguyên Lãnh đạo BHXH Việt Nam, nguyên Lãnh đạo BHYT Việt Nam
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu đại diện Văn phòng BHXH Việt Nam tại TP.HCM
Minh Đức Ảnh: Quang Hùng
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?