Kết quả 10 năm thực hiện công tác BHYT trong tình hình mới

23/07/2019 02:51 PM


Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Ðảng và Nhà nước hết sức coi trọng. Do vậy, để việc thực hiện chính sách BHYT thật sự góp phần bảo đảm an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngày 07/9/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38 - CT/TƯ về “Ðẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”. Sau 10 năm thực hiện chỉ thị này, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của của xã hội về việc tham gia BHYT.
Ðể chính sách BHYT thực sự đi vào lòng dân, gần gủi hơn với người dân, đồng thời hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HÐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời việc thực thi chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh cũng đã hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng như: người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên; hỗ trợ kinh phí đóng BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh...
Cùng với các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là đơn vị chủ trì, chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan tích cực phối hợp với cơ quan BHXH đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, như: Tổ chức các buổi tọa đàm đối thoại  trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động tại các khu dân cư, chú trọng các hình thức truyền thông trực tiếp… bảo đảm thông tin BHYT lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa cũng như quyền lợi, trách nhiệm trong việc tham gia BHYT, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT cho các tầng lớp nhân dân để hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Vì vậy, BHXH tỉnh đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương để tuyên truyền sâu rộng chính sách BHYT trên các kênh thông tin truyền thông từ Trung ương đến địa phương để vận động người dân tích cực tham gia BHXH, BHYT; mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT, trong đó cơ quan BHXH thực hiện ký kết hợp đồng với UBND các xã, phường, thị trấn và cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội làm đại lý thu BHXH, BHYT; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên đại lý thu theo đúng quy định về hoạt động đại lý thu BHYT của BHXH Việt Nam. Hiện toàn tỉnh có 140 đại lý thu BHXH, BHYT với 1.619 điểm thu và 1.845 nhân viên của 7 tổ chức.
mot cas phau thuat
Nhờ tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật Nhà nước về BHYT, số người tham gia BHYT ở tỉnh ta tăng qua các năm. Năm 2009, số người tham gia BHYT là 428.747 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 36,6% dân số; Năm 2015, có 739.290 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 60,8% dân số; năm 2018, có 1.025.027 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 82,7% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng; từng bước thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Ðến cuối năm 2018 đã có 82,7% dân số trong toàn tỉnh tham gia BHYT. Song song với việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân theo tinh thần của Nghị quyết số 21 - NQ/TW của Bộ Chính trị, các chính sách, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) đối với người tham gia BHYT được thực hiện đầy đủ và không ngừng nâng cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các cơ sở KCB BHYT đã củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng, tăng cường nhân lực tại các khâu tiếp đón, khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, thu viện phí, cấp phát thuốc; công khai thời gian, quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí, đối tượng ưu tiên, sơ đồ khoa KCB ... để thuận lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh.
Cùng với đó, các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến huyện đã tích cực triển khai thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, triển khai hiệu quả các kỹ thuật khó, như: Phẫu thuật chấn thương sọ não; tán sỏi nội soi bằng laser; các phẫu thuật nội soi: tiêu hóa, sản phụ khoa, tai - mũi - họng; chạy thận cấp cứu và chu kỳ; chụp CT Scanner; tán sỏi niệu quản qua nội soi; kỹ thuật phẫu thuật chấn thương vết thương mạch máu ngoại vi … Giúp người bệnh hạn chế phải chuyển tuyến Trung ương, giảm gánh nặng kinh tế. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh có 1. 317.349 lượt khám, chữa bệnh với số tiền quỹ BHYT chi trả 143,8 tỷ đồng thì đến năm 2018 đã có 2.268.259 lượt khám, chữa bệnh với số tiền quỹ BHYT chi trả hơn 964,2 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38 - CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Nâng cao nhận thức của nhân dân về chính sách BHYT, từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng tham gia BHYT, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội./.

BS. Đặng Minh Thông

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1