Cải cách chính sách BHXH: Bảo đảm An sinh bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

23/07/2019 03:50 PM


cc
(ảnh minh họa)
Lao động phi chính thức và những con số 
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ với nhóm lao động đang có việc làm. Đáng ngại hơn, từ sự phát triển của công nghệ dễ làm gia tăng nhóm lao động phi chính thức, cùng với đó là những lo ngại về việc bảo vệ người lao động và chất lượng việc làm do quan hệ việc làm (giữa chủ sử dụng lao động và người lao động) trở nên mờ nhạt, ít bị ràng buộc pháp lý theo các quy định hiện hành. Dễ dàng có thể kiểm chứng những nhận định nói trên khi nhìn từ thực tế hiện nay của Việt Nam với sự phát triển hình thức kinh doanh kiểu mới, áp dụng triệt để công nghệ, điển hình nhất là xe ôm, taxi công nghệ Grab hay việc mua bán hàng online qua mạng xã hội đang ngày một phổ biến. Nhóm này có thể có mức thu nhập cao nhưng nhìn chung không ổn định, việc làm không bền vững, không được bảm đảm các chế độ an toàn vệ sinh lao động và là nhóm lao động tự do kiểu mới, lao động phi chính thức, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, tức là không được bù đắp thu nhập khi ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp hay được bảo đảm an sinh bằng việc nhận lương hưu khi về già. Chưa có một thống kê, báo cáo chi tiết về lực lượng lao động theo kiểu mới, áp dụng công nghệ kiểu Grab, nhưng xu hướng gia tăng lực lượng lao động phi chính thức đã được nhắc đến nhiều trước sự ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, điểm đặc trưng được mang đến từ cách mạng công nghiệp 4.0. Ngay cả thời điểm hiện tại, khi tác động của công nghệ chưa đến mức quá phổ biến, nhóm lao động phi chính thức của Việt Nam cũng là một con số đáng lo ngại. Báo cáo về lao động phi chính thức do Tổng cục thống kê và Văn phòng ILO tại Việt Nam đưa ra cho thấy, số lao động phi chính thức là khoảng 18 triệu người, chiếm khoảng 57% tổng số lao động phi nông nghiệp; tính cả lao động khu vực nông nghiệp, nhóm này chiếm khoảng 78,6% lực lượng lao động. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn và cũng là hai trung tâm kinh tế - chính trị có số lao động phi chính thức lớn nhất, chiếm trên 20% tổng số lao động phi chính thức của cả nước. Xu hướng trẻ hóa được thấy rõ; tỷ lệ lao động phi chính thức cao ở nhóm tuổi thanh niên (tuổi từ 15-24) tương ứng là 60,2%. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động phi chính thức là khá thấp (14,8%), thấp hơn mức chung của lao động có việc làm của toàn bộ nền kinh tế 5,7 điểm phần trăm, và thấp hơn so với lao động chính thức 17,4 điểm phần trăm. Trong tổng số lao động có việc làm phi nông nghiệp không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức chiếm đến 71,9%. Thực tế này đem đến lo ngại về việc khó tìm việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 – khi hàng loạt công việc được thực hiện bởi máy móc tự động hóa, nhân lực phải thực sự có trình độ cao – có kỹ năng làm những công việc máy móc chưa thể làm, mới đảm bảo dễ dàng tìm kiếm việc làm.
ghswth
(Nguồn: Báo cáo Lao động phi chính thức 2016, Tổng Cục thống kê, Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, 2016)

Thống kê hiện cũng cho thấy có trên 6,4 triệu lao động phi chính thức (tương ứng 35,6%) làm nghề “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng” và trên 5,3 triệu lao động phi chính thức (tương ứng 29,8%) làm nghề “Thợ thủ công và các thợ có liên quan”. Khoảng 18% lao động phi chính thức là “Lao động giản đơn”, các nhóm nghề còn lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ. An sinh xã hội cho nhóm lao động phi chính thức luôn là vấn đề cần quan tâm khi nhóm này đa số phải tự bảo đảm an sinh trong khi tình trạng việc làm luôn bấp bênh, khó đảm bảo tích lũy. Có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (bao gồm 32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương) trong khi chỉ có 14,0% lao động chính thức được xếp vào nhóm này. Nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới. Có 31,8% lao động phi chính thức nam giới được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương trong khi con số này ở nữ giới lên tới 59,6%. Ngay cả với nhóm chủ cơ sở, tự hoạt động kinh doanh nhỏ, lẻ, việc tự bảo đảm an sinh cũng là vấn đề đáng lo lắng. Chủ cơ sở có thời gian làm việc nhiều nhất (trên 50 giờ/tuần) – theo kiểu lấy công làm lãi; trong khi lao động gia đình có thời gian làm việc ít nhất (44 giờ/tuần). Số giờ làm việc trung bình của lao động phi chính thức làm công ăn lương là 49,2 giờ/tuần, cao hơn 02 giờ so với lao động chính thức làm công ăn lương (47,2 giờ/tuần) và cao hơn số giờ làm việc tối đa theo quy định (48 giờ/tuần). Hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH - 97,9% và chỉ có 1,9% đóng BHXH tự nguyện.

Cải cách chính sách BHXH – xây dựng nền tảng An sinh bền vững 
Các quốc gia đã và đang có nhiều thay đổi về mặt chiến lược để bảo đảm vừa tận dụng thành công các điểm tích cực từ cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời hạn chế những tác động không mong muốn do công nghệ, nhất là về việc làm, an sinh xã hội. ILO khuyến nghị: với sự thay đổi ngày càng tăng do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, những người lao động thường xuyên chuyển từ công việc này sang công việc khác cần phải được hỗ trợ. Các chính sách thị trường lao động chủ động hiệu quả giúp kết nối người lao động với việc làm đóng vai trò quan trọng để thường xuyên giúp người lao động phát triển những kỹ năng mới; đảm bảo sự chuyển dịch thuận lợi từ một công việc này sang một công việc khác, hỗ trợ đào tạo kỹ năng và cung cấp BHTN trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các công việc. Chỉ có chính sách An sinh xã hội phù hợp, bao gồm cả BHTN mới có thể hỗ trợ chuyển dịch người lao động từ các ngành nghề năng suất thấp lên năng suất cao và xúc tiến việc làm. Thực tế cũng cho thấy sự quan tâm đến chính sách tạo việc làm, bảo đảm An sinh xã hội cho người lao động được các quốc gia ngày càng quan tâm nhiều hơn bên cạnh việc phát triển kinh tế nhờ hiện đại hóa công nghệ sản xuất. Tại Việt Nam, các định hướng lớn phát triển An sinh xã hội, trụ cột là BHXH, BHYT cho thấy sự chủ động thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này được thể hiện rõ nhất qua Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 về cải cách chính sách BHXH. Trước khi đưa các định hướng cải cách, Nghị quyết đã nhận định: Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hoá dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới… Chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa… Từ những phân tích ở trên, hai yếu tố cần quan tâm nhất bước đầu đã được đánh giá mức độ tác động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 chính là sự xuất hiện các quan hệ lao động mới và giải pháp phòng ngừa thất nghiệp cho nhóm lao động phi chính thức. Trên cơ sở sở đó, các định hướng cải cách chính sách BHXH của Việt Nam thể hiện toàn diện trong Nghị quyết 28 – NQ/TW, hướng đến giải quyết những hạn chế, sẵn sàng cho những thách thức mới đã và đang đến từ cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết nêu rõ: từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng. Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó, bao gồm cả người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHTN, chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm. Những định hướng trên nằm trong tổng thể cải cách toàn diện chính sách BHXH của Việt Nam, cho thấy tầm nhìn chiến lược, sẵn sàng trước các thách thức mới trong bảo đảm An sinh xã hội cho người dân..

Tài liệu tham khảo: 
- Nghị quyết 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách BHXH.
- Báo cáo Lao động phi chính thức 2016, Tổng Cục thống kê, Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, 2016. 
- Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam: Hàm ý đối với thị trường lao động, Tổ chức Lao động quốc tế, 2018.

Thạc sĩ Đinh Thị Hiền

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1