Đẩy mạnh truyền thông - nâng cao nhận thức

23/07/2019 04:29 PM


Đi trước một bước...

Có thể thấy, thời gian qua những kết quả mà ngành BHXH đã khẳng định những chiến lược, những bước đi bài bản, có sự quyết liệt và tinh thần phối hợp với các ban ngành hiệu quả. Làm được điều này cho thấy, những nỗ lực lớn của BHXH Việt Nam trong việc đưa những chính sách quan trọng đi sâu vào thực tiễn đời sống và mang đến những lợi ích thiết thực cho người dân.

Trong vai trò tiên phong, đi trước một bước, công tác tuyên truyền được Ngành đặc biệt coi trọng. Đặc biệt là thời gian này, công tác tuyên truyền sẽ góp phần không nhỏ đưa Nghị quyết 28 vào cuộc sống. Trên thực tế, những kết quả nổi bật mà ngành BHXH đã đạt được trong thời  gian qua có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí, truyền thông. Báo chí, truyền thông đã đưa những thông điệp về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, cũng như tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn những quan điểm và mục tiêu trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Báo chí, truyền thông cũng là kênh tiếp nhận những phản hồi từ người dân về bất cập, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình triển khai các chính sách tại các địa phương trong cả nước. Từ đó, đề xuất những giải pháp, chính sách phù hợp, cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác BHXH, BHYT.

hqloi 01 20180914034707pm
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2018.
Ảnh: AK.

Sự đồng hành và hỗ trợ của báo chí, truyền thông là rất to lớn đối với ngành BHXH Việt Nam trong phát triển sự nghiệp an sinh xã hội Việt Nam bền vững, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Theo đánh giá của đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo hệ thống an sinh xã hội bền vững, đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân là rất quan trọng. Đòi hỏi công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT phải đổi mới, sáng tạo, hiệu quả nhằm đưa chính sách vào cuộc sống; báo chí và cơ quan thực thi về chính sách BHXH, BHYT cần hợp tác chặt chẽ hơn nhằm lan tỏa rộng rãi thông tin đến các đối tượng khác nhau. Các phóng viên, biên tập viên cần đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, không ngừng nâng cao chất lượng thông tin về BHXH trên báo chí, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hệ thống an sinh xã hội…

Bên cạnh  đó, không thể phủ nhận, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Nhiều năm nay, báo chí, truyền thông đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước về BHXH, BHYT vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội; nâng cao uy tín, vị thế của BHXH Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, thực tiễn hơn 20 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH cho thấy, khi nào người dân, người lao động hiểu rõ tầm quan trọng, thấy được lợi ích của chính sách và chủ động tham gia thì thu được rất nhiều kết quả. Vì vậy, thời gian tới để tuyên truyền hiệu quả Nghị quyết  28, ngành BHXH sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước để công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH được tiến hành một cách đồng bộ hơn, khoa học hơn và bài bản hơn; gắn kết chặt chẽ hơn công tác tuyên truyền với hiệu quả, kết quả đạt được.

Đổi mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả

Tuyên truyền có đóng góp lớn, nhưng đã đến lúc cần thiết có sự đa dạng hơn, phong phú hơn trong việc tuyên truyền đưa Nghị quyết 28 vào cuộc sống. Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, Ngành đã có những chương trình hành động rất cụ thể sau khi Nghị quyết được ban hành. Ngành sẽ thay đổi cách thức tuyên truyền để tiếp cận với người dân. Ví dụ, tới đây, BHXH Việt Nam sẽ tập trung nhiều cho công tác tuyên truyền trực tiếp, cán bộ BHXH sẽ đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, từng khu dân cư... các khu vực có tiềm năng phát triển BHXH để tập trung tuyên truyền. Trên tinh thần đó, để việc triển khai Nghị quyết 28 vào cuộc sống hiệu quả, vấn đề truyền thông báo chí cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Và rõ ràng, câu chuyện đổi mới nội dung, hình thức thông tin, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH là rất cấp thiết.

tuyen truyen 01 20180914034220pm
Hội nghị tập huấn, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động tại Quảng Nam.
Ảnh: Thanh Dũng.

Như vậy, có thể thấy công tác tuyên truyền đã đang và được ngành BHXH chú trọng đẩy mạnh, không chỉ về số lượng mà còn chất lượng. Nghị quyết 28 đi vào cuộc sống có hiệu quả hay không một phần rất lớn phụ thuộc vào công tác này. Chính vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định, tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH là giải pháp đầu tiên trong nhóm 5 nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH.Đặc biệt, ngành BHXH cũng sẽ ưu tiên tuyên truyền trên các kênh có tác động xã hội lớn; đồng thời, chú trọng tuyên truyền đến những đối tượng tiềm năng nhưng kết quả tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH còn hạn chế. Nội dung tuyên truyền cần đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền mục tiêu an sinh xã hội bền vững và lâu dài trong cải cách chính sách BHXH.

Rõ ràng là, nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và người dân có thể hiểu hơn về các chính sách BHXH, đòi hỏi công tác tuyên truyền phải được nâng cao, có những thay đổi để phù hợp với thị hiếu cũng như nhận thức của người dân, người lao động. Nghị quyết đi vào cuộc sống không thể ngày một ngày hai và để không gây sốc trong xã hội, việc tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo mang tính vận động, tuyên truyền trong hệ thống ngành bảo hiểm xã hội từ trung ương đến địa phương, đi sâu vào cuộc sống của người dân là điều cần thiết.

Từ góc độ truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người dân là một trong những giải pháp không dễ thực hiện thời gian tới nhưng đó lại là “chìa khóa” mở ra cánh cửa để Nghị quyết 28 đến với người dân một nhanh nhất.  Nếu cánh cửa này được mở ra thuận lợi, rõ ràng những bước đi khác sẽ “cởi mở” hơn nhiều. Mục tiêu hướng đến của Cải cách chính sách BHXH lần này là rất lớn vì thế, TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần phải làm thay đổi nhận thức của người lao động và toàn xã hội về chính sách BHXH theo mục tiêu của Đảng và thể chế hóa Hiến pháp 2013 về ASXH vừa là quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động để bảo đảm An sinh xã hội trước những rủi ro trong và sau cuộc đời lao động, đây là của để dành tích lũy khi đang làm việc để được hưởng thụ khi tuổi già. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, quản lý tập trung, đầu tư tăng trưởng bảo toàn quỹ và công khai minh bạch. BHXH là chính sách trụ cột chính của ASXH góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. "Nghị quyết 28 lần này sẽ phải triển khai đúng tinh thần của nó, đến từng cấp ủy Đảng, chính quyền, đến tận các chi bộ để thực hiện. Chúng ta phải làm chuyển biến nhận thức của người dân, để họ thực sự thấy được tính ưu việt của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội. Chúng ta phải hiểu rằng, người dân tham gia vào hệ thống an sinh xã hội không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm đối với xã hội", ông Lợi nói. Như vậy rõ ràng, công tác tuyên truyền phải là “quân át chủ bài” trong vấn đề thay đổi nhận thức, nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó Nghị quyết 28 mới có thể đưa vào cuộc sống một cách hiệu quả./.

Dương Vũ

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1