"Của để dành"

21/05/2020 10:03 AM


Được nhân viên đại lý thu bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện của xã đến tuyên truyền, vận động, chị Lê Thị Hiền, ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, đã chủ động tham gia BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng. Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, mỗi ngày đi làm thuê, làm mướn, nhưng chị đề dành ra một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện. Chị Hiền chia sẻ: “Nếu biết được lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện sớm là tôi tham gia lâu rồi, không đợi đến bây giờ. Tham gia BHXH tự nguyện giống như "của để dành" về già. Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con, nếu sau này mình cứ dựa hoàn toàn vào con thì sẽ là gánh nặng cho nó”.

Với khả năng tài chính hiện có, chị Hiền chọn mức thu nhập 700.000 đồng/tháng, phương thức đóng 1 lần cho 3 tháng. Chị Hiền bộc bạch: “Trước giờ cứ nghĩ chỉ có cán bộ nhà nước mới có lương hưu, nay người lao động chúng tôi cũng có lương hưu nên thấy mừng lắm”. Còn anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Phú Hưng, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cũng chủ động tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân. Anh Thanh năm trước đã dành dụm và tham gia BHXH tự nguyện cho vợ, nay thấy kinh tế gia đình cũng ổn định nên anh quyết định tham gia cho bản thân. Anh Thanh nói tôi dự tính chọn mức thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng và đóng 1 lần cho 3 tháng. “Tham gia BHXH tự nguyện để dành cho mai sau”, anh Thanh cho biết.

Để tạo sự bình đẳng cho mọi người lao động trong các thành phần kinh tế, chính sách BHXH tự nguyện đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2008. Cùng với cơ chế khuyến khích của Nhà nước nhằm tăng diện phủ BHXH toàn dân, người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng có nhiều sự lựa chọn và ưu đãi. Cụ thể, người tham gia BHXH tự nguyện được chọn phương thức đóng và mức đóng phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế. Nhà nước hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác, theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng theo phương thức 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm.

Để mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của Nhân dân, ngành BHXH đã phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, để chính sách này ngày càng đi vào cuộc sống… Để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, chúng ta cần chia ra nhiều nhóm đối tượng để vận động, nhất là các nhóm tiềm năng. Từ đó, có biện pháp tuyên truyền phù hợp cho từng nhóm. Ngoài ra, khi có điều kiện gặp gỡ người dân, chúng ta đều tuyên truyền, giải thích về chính sách này. Như thế,   ngày mới càng có nhiều người hiểu và tham gia.

Chia sẻ về quyền lợi khi tham gia BHXH, chị Nguyễn Thị Hoa, ở Thị trấn Phú Long, huyện Hàm Hàm Bắc, cho biết: “Trước đây, tôi công tác tại Phòng khám Phú Long, thuộc Trung Tâm y tế huyện Hàm Thuận Bắc, do chưa đóng BHXH đủ 20 năm để hưởng lương hưu, tôi tính đề nghị hưởng một lần. Nhưng khi được các anh chị ở cơ quan BHXH tư vấn, giải thích, tôi hiểu hơn về chính sách BHXH tự nguyện, nên quyết định tham gia, đóng thêm để đủ số năm quy định và hiện nay tôi đang được hưởng lương hưu hàng tháng”.

Rủi ro, ốm đau, bệnh tật không trừ một ai, do đó tham gia BHXH tự nguyện là cách để đảm bảo cuộc sống khi về già. Khi đủ số năm tham gia BHXH, về sau vừa có lương hưu, vừa được nhà nước cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh. Chính sách BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động khi về già, đúng với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chính vì vậy, việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện, tiến tới BHXH cho mọi người dân không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành BHXH mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị để thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Minh Thông

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1