Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, thực trạng đáng báo động

15/06/2020 01:44 PM


Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chỗ dựa vững chắc cho người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và giải quyết các vấn đề trước mắt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong việc tổ chức thực hiện chính sách này, tình trạng trục lợi quỹ BHTN có chiều hướng gia tăng.

Theo quy định, trường hợp người lao động đã có việc làm mới sẽ phải chấm dứt ngay việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), số tháng hưởng TCTN còn lại sẽ được bảo lưu. Tuy nhiên, nhiều người lao động vừa có việc làm mới, vừa hưởng TCTN mà không tự động khai báo. Đây cũng là một trong những trường hợp phổ biến nhất trong trục lợi quỹ BHTN.  

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động nhận lao động vào làm việc nhưng trong quá trình thử việc không tham gia đóng BHXH, BHTN cho họ. Thậm chí, người lao động mượn giấy tờ của người thân đi làm để trốn đóng BHXH mà vẫn hưởng lợi chế độ BHTN. Hiện tượng thu gom, mua bán sổ để hưởng chế độ BHTN cũng được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây tại các địa bàn Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh…cũng là một hành vi trục lợi từ quỹ BHTN.

Tại Bình Thuận, trong 05 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh đã phát hiện và hủy Quyết định hưởng TCTN của 44 trường hợp vì đã có việc làm mới nhưng vẫn đăng ký hưởng TCTN. Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: “Trung tâm chưa có công cụ hỗ trợ để kiểm tra người lao động đã có việc làm mới hay chưa mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của người lao động. Những trường hợp gian lận chỉ được phát hiện khi họ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm việc mới và khi phát hiện được thì rất nhiều trường hợp đã hưởng được vài tháng TCTN”.

Một trong những nguyên nhân khiến trục lợi BHTN ngày một gia tăng chính là thủ tục đăng ký hưởng TCTN hiện nay còn tương đối đơn giản. Đối với lao động nếu có đủ các loại giấy tờ gồm: sổ BHXH, Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; chứng minh nhân dân là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.

Hiện vẫn chưa có phần mềm liên thông giữa BHXH và Trung tâm dịch vụ việc làm nên việc trao đổi thông tin còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiểm soát quá trình tham gia BHTN của người lao động. Mặc dù Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ hành vi gian lận tiền BHTN sẽ bị truy tố hình sự với mức án cao nhất là 10 năm tù nhưng đến nay chưa có một trường hợp gian lận nào bị truy tố, mà chủ yếu xử phạt hành chính, nên chưa hạn chế việc gia tăng các hành vi lạm dụng, trục lợi chính sách BHTN.

Để kịp thời phát hiện và giải quyết được tình trạng trục lợi BHTN, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng dữ liệu kết nối liên thông về BHTN chia sẻ qua trục tích hợp quốc gia, hướng tới việc quản lý cũng như giải quyết chế độ BHTN cho người lao động trong toàn quốc ngày càng chặt chẽ, nhanh, gọn, chính xác. Đồng thời, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật về BHTN để người lao động ý thức hơn và tuân thủ triệt để các vấn đề về pháp luật về lao động./.

Hoàng Hà

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1