Lan tỏa từ tác phẩm báo chí…

16/06/2020 04:47 PM


(tapchibaohiemxahoi.gov.vn) Tạp chí BHXH số kỳ 01 tháng 04/2020 có bài viết Cuốn sổ nhỏ và tấm lòng người cha kể về câu chuyện người cha già dành dụm tiền lương hưu của mình để đóng BHXH tự nguyện cho con gái. Sau khi bài viết được đăng tải, Ban Biên tập nhận được nhiều phản hồi từ độc giả về những câu chuyện tương tự. Từ đây, chúng ta có thể cảm nhận được rằng, cuốn sổ BHXH hay tấm thẻ BHYT trở thành những món quà đong đầy tấm lòng của người làm cha, làm mẹ lúc nào cũng nặng lòng lo cho con cái.

Tấm lòng người mẹ trên quê hương Hồng Lĩnh

Hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, trong những ngày tháng ngược xuôi đi vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, những cán bộ của Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH tỉnh Hà Tĩnh gặp không ít câu chuyện thú vị. Ban đầu ai cũng nghĩ rằng phải lựa đối tượng nhìn còn trẻ, có vẻ thu nhập khá một chút vừa đảm bảo về độ tuổi tham gia cũng như có tiềm năng đóng. Nhưng đôi lúc, câu chuyện thực tế lại khác nhiều so với hình dung ban đầu.

Cán bộ Nguyễn Thị Chí Linh, Phòng Truyền thông – Phát triển đối tượng BHXH tỉnh chia sẻ: Khi cả nhóm đang mải miết vận động, tư vấn cho người này người kia, chợt có hai bác đã luống tuổi bước vào trò chuyện ríu rít; nhìn mái tóc đã đốm bạc nhiều, chẳng ai nghĩ hai bà sẽ đến đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng trò chuyện qua mới biết, hai bà vốn là thông gia với nhau; một người là Trần Thị Quế, sinh năm 1954; một người là Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1952, đều ở phường Văn Yên, TP. Hà Tĩnh; cứ nhìn hai bà trò chuyện ríu rít đủ biết là thân nhau. Người con trai/con rể vốn là lao động tự do làm ở một nhà hàng; người con dâu/con gái thì buôn bán nhì nhằng ở chợ; cuộc sống cũng chỉ qua ngày như vậy, không quá khốn khó nhưng cũng khó có thể nói là dư dả. Thu nhập của hai bà cũng không có gì nhiều, chỉ bán mớ rau, con gà thôi;  nhưng được cái cả hai tâm đầu ý hợp. Cặp vợ chồng người con thì vô tư, không lo lắng gì, nhưng với sự trải đời thì hai người mẹ lo lắng nhiều lắm. Tui nói các con đừng để như mẹ, không có nguồn thu nhập chi ngoài bán mớ rau, con gà thì cũng phải cố phải mua thẻ BHYT, ốm đau bệnh tật không trừ một ai, có chính sách của nhà nước như "của để dành" ri thì các con phải tham gia chớ. Nghĩ vậy nên hai bà cùng đi đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện cho hai người con. Người con trai/rể sinh năm 1989, và người con dâu/gái sinh năm 1991, tức là cũng đang ở độ tuổi chín chắn, làm ăn. Ấy vậy mà vẫn được hai mẹ nhà nội – ngoại chăm lo, nghĩ về lâu dài đến thế.

Cũng ở TP.Hà Tĩnh dịp đó, những cán bộ đi vận động BHXH tự nguyện của BHXH tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ với trường hợp một người đã cao tuổi đến đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Bà là Nguyễn Thị Liêm, sinh năm 1949, vốn là cán bộ hưu trí, có lương hưu hàng tháng. Không rõ ngoài lương hưu, bà còn có thu nhập gì khác không nhưng hôm nay thấy bà bỏ ra một khoản “kha khá” để đóng BHXH tự nguyện cho 03 người con, gồm 02 con trai và 01 con dâu. Bà Liêm có 03 đứa con trai đã lấy vợ, tính cả dâu là 06 người con; trong đó 01 người con trai và 02 người con dâu thì đã có việc làm, đang đóng BHXH bắt buộc; 03 người còn lại chưa có BHXH nên được bà đóng BHXH tự nguyện cho. Vốn là cán bộ hưu trí nên bà Liêm thấu hiểu rõ giá trị của những đồng lương hưu với tuổi già; có lương hưu, bà cũng chẳng chi tiêu dành dụm cho bản thân, trái lại bỏ ra để đóng BHXH tự nguyện cho con trai và con dâu. Vẫn biết lòng mẹ thương con thì vô hạn nhưng câu chuyện của bà Liêm vẫn khiến những cán bộ của BHXH tỉnh Hà Tĩnh hôm đó xúc động. Bà tâm sự: tiếc là không biết đến chính sách đóng BHXH tự nguyện sớm hơn để bà lo cho các con bà nhiều hơn. Nghe những lời này, ai cũng nghĩ: có 03 đứa con chứ có thêm mấy đứa con nữa mà chưa có BHXH, chắc bà cũng cố bỏ tiền ra đóng cho hết.

Người cha già xứ Cao nguyên

Cũng trong tháng 05, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trong buổi tuyên truyền vận động BHXH tự nguyện ở hội trường UBND phường 4 hôm đó, ai cũng bất ngờ khi nhìn thấy một ông cụ cầm trên tay 03 cuốn sổ BHXH tự nguyện. Hỏi chuyện kỹ hơn mới biết, ông tên là Trần Quang đã 88 tuổi, đi bộ một mình 02 km đến nghe tuyên truyền rồi tham gia BHXH tự nguyện. Tôi có 10 người con, nay còn 08, mỗi đứa làm ăn một kiểu, cũng có 4-5 đứa làm ăn khá hơn chút, còn thì cũng chỉ thu nhập đồng ra đồng vào. Ông và người vợ 86 tuổi đang sinh sống cùng người con trai đầu và người con gái thứ 5 – cả hai cũng đã đều đã lớn tuổi; con trai 65 tuổi; con gái 52 tuổi. Cô con gái đi làm ở doanh nghiệp nên có BHXH rồi; còn anh con trai thì chưa; vậy nên ông Quang hôm nay đóng BHXH tự nguyện cho 03 người; ông, vợ ông và con trai ông; tổng số tiền đóng hôm đó là 420.000 đồng. Thu nhập của ông bà chủ yếu từ tiền trợ cấp của Nhà nước cho người già trên 80 tuổi và phần gom góp hỗ trợ không thường xuyên của mấy người con. Thế nhưng ông Quang vẫn tham gia BHXH tự nguyện. "Thấy chính sách tốt thì mình nên tham gia thôi" ông chia sẻ.

Không nói ra thì ai cũng biết rằng; hai ông bà đã khá cao tuổi; tham gia BHXH tự nguyện hôm nay, sẽ mất thời gian khá lâu để chờ đến khi đủ điều kiện nhận lương hưu. Nhưng cũng chẳng làm sao. Bản chất của chính sách BHXH là đóng – hưởng; vợ chồng ông Quang và cả người con trai của mình vẫn sẽ được hưởng những quyền lợi nhất định tương ứng với số tiền đóng, thời gian đóng BHXH tự nguyện, vì đây là chính sách của Nhà nước, không lo bị thiệt. Bên cạnh đó, chính sách BHXH, BHYT còn có tính chia sẻ nhân văn; tham gia BHXH, BHYT cũng là để chia sẻ với những người khác.

Và… những nỗi niềm khôn nguôi

Sau khi bài báo Cuốn sổ nhỏ và tấm lòng người cha đăng trên Tạp chí BHXH số kỳ 01 tháng 04, một ngày, Tòa soạn Tạp chí BHXH nhận được cuộc gọi từ một vị độc giả lớn tuổi. Chia sẻ hồi lâu, bác cho biết rất tâm đắc với câu chuyện được phản ánh trong bài báo và cũng rất muốn làm tương tự: đóng BHXH tự nguyện cho cô con gái của mình; gọi là có chút của hồi môn, để dành cho con sau này; chứ bây giờ có cho bao nhiêu cũng hết.

Vui mừng vì bài báo đăng tải đã nhận được phản hồi tích cực từ độc giả, chúng tôi nhiệt tình hướng dẫn bác làm thủ tục tham gia BHXH tự nguyện. Bác là Trần Duy M, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Gọi điện ngay cho Giám đốc BHXH huyện Chương Mỹ Trần Văn Hoan, chúng tôi được biết, bác này cũng nằm trong danh sách cán bộ hưởng lương hưu hàng tháng của BHXH huyện; với mức lương hưu 4,9 triệu đồng/tháng. Ngay sau khi nhận thông tin từ Tạp chí BHXH, trực tiếp lãnh đạo BHXH huyện Chương Mỹ gọi điện rồi gặp gỡ trực tiếp trao đổi với bác M. Những tưởng mọi chuyện sẽ đơn giản, không có vấn đề gì lớn; mức đóng, quyền lợi hưởng… tất cả đều được cơ quan BHXH huyện giải thích cặn kẽ và bác Trần Duy M cũng đã rất hiểu. Nhưng… ngặt nỗi còn phải xem xét ý tứ phía đằng nhà chồng cô con gái. Người cha già dù thương con gái cũng đành phải “lựa”. Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi lòng người cha già; chúng tôi và cả những đồng nghiệp BHXH huyện Chương Mỹ hiểu rằng, còn nhiều nỗi niềm khó nói từ câu chuyện của bác Trần Duy M. Nhưng biết làm sao, có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ; với các đấng sinh thành, chẳng khi nào có thể yên tâm dù con cái có trưởng thành, khôn lớn đến bao nhiêu.

Thay cho lời kết

Những câu chuyện ở trên như những lát cắt của cuộc sống; có câu chuyện trọn vẹn nhưng cũng có câu chuyện còn để lại những nỗi niềm đau đáu. Cuộc sống là vậy, vẫn luôn muôn màu, đa dạng. Nhưng điều đọng lại là: tấm lòng người làm cha, làm mẹ thì ở đâu cũng giống nhau. Cuốn sổ BHXH hôm nay và lương hưu sau này, trở thành món quà để dành của những người làm cha, làm mẹ cho con cái của mình. Người ta vẫn nói “của cho không bằng cách cho”; cho món này món kia hay cho tiền, có bao nhiêu rồi cũng hết. Đóng BHXH tự nguyện hôm nay, số tiền không lớn nhưng lợi ích cho tương lai thì khôn kể - có lương hưu rồi có thẻ BHYT, những người làm cha làm mẹ sẽ thấy yên tâm hơn rất nhiều: Cha mẹ không chăm nom con cái được cả đời nhưng BHXH, BHYT thì theo các con đến suốt đời.

Phương Linh

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1