Người hưởng lương hưu cuộc sống luôn ổn định

11/04/2023 02:33 PM


Hiện Bình Thuận có 17.799 người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Người lao động (NLĐ) có lương hưu, đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp NLĐ tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội.

Nhân viên Bưu điện phát lương hưu tại xã Hồng Liêm

Ngày 22/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 43-CP chính thức mở rộng BHXH ra mọi thành phần kinh tế. Nguồn quỹ dựa trên đóng góp của hai bên - doanh nghiệp (15% quỹ lương) và người lao động (5% lương hàng tháng). Cơ chế cho phép NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần, được đưa vào Bộ luật Lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, lúc bấy giờ việc tiếp tục cho phép rút BHXH một lần chưa tác động lớn đến chính sách an sinh xã hội. Bởi lao động ở doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, chủ yếu vẫn là cán bộ, công chức, viên chức với tính ổn định cao. Song, từ khi Luật BHXH mới có hiệu lực năm 2007, số người rời hệ thống liên tục tăng. Từ 2012 đến 2014, số người rút BHXH 1 lần gần gấp đôi lượng người gia nhập đã báo động đỏ cho mạng lưới an sinh. Vấn đề hạn chế rút BHXH được Quốc Hội đặt lên bàn nghị sự. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục cho phép rút BHXH một lần, mục tiêu an sinh, BHXH toàn dân không thể thực hiện được. Lương hưu vẫn là nguồn thu nhập tốt nhất cho NLĐ … Mục tiêu cả nước đến năm 2025, BHXH sẽ bao phủ hưu trí cho 55% người trong độ tuổi nghỉ hưu và đến 2030 là 60% (Nghị quyết 28), tức mỗi năm tăng 1%. Nếu giữ được nhịp độ này, đến năm 2069, Việt Nam mới phủ được lương hưu cho 99% người già. Thế nhưng, nhìn lại con số hiện tại mới chỉ hơn 22%, tình trạng rút BHXH một lần gia tăng, khiến độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp lại.

Tại Bình Thuận, tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn đến đầu tháng 4/2023 được BHXH tỉnh quản lý là 17.799 người, tăng 817 người (tăng 4,8%) so với cùng kỳ năm 2022. Số người nhận BHXH một lần gần 4.000 người, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. NLĐ hiện nay với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. NLĐ nhận biết được điều đó, nhưng họ vì lợi ích trước mắt, cần tiền cho gia đình và một bộ phận không kiên trì chờ đợi để hưởng lương hưu nên rời khỏi hệ thống an sinh xã hội.

Anh Nguyễn Văn Lâm, năm nay 61 tuổi, ngụ tại phường Xuân An chia sẻ: “Vì sức khỏe tôi nghỉ việc ngành Bưu điện lúc 52 tuổi, về nhà tôi trồng thêm vườn thanh long để có tiền hàng tháng đóng vào quỹ BHXH tự nguyện (hơn 1 triệu đồng/tháng). Bây giờ tôi nhận lương hưu hơn 3,5 triệu đồng cuộc sống tạm ổn định. Ngoài ra, còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu, không phải lo lắng khi không may bị ốm đau, bệnh tật…”. Còn anh Nguyễn Trung, phường Phú Thủy tâm sự: “Tôi làm bảo vệ một cơ quan hành chính khi đủ 60 tuổi mới có 17 năm đóng BHXH nên tôi đóng tiếp một lần 42 triệu đồng để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy lương thấp nhưng thu nhập hàng tháng ổn định. Cuộc sống lúc tuổi già có lương hưu là ổn rồi. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 người có lương hưu không phải lo toan gì cả. Không những thế, sau này khi qua đời, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở và thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng…”.

Từ những vấn đề nói trên tôi nghĩ, việc giải quyết khó khăn trước mắt của người lao động là cần thiết, nhưng phải có cách khác, không nên loay hoay mãi việc cho rút BHXH một lần. Bởi lẽ, khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có điều kiện vật chất đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già, không có cơ hội ổn định cuộc sống. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ tự tước bỏ quyền được đảm bảo an sinh xã hội của bản thân, tự rời khỏi hệ thống an sinh xã hội./.                                                                                    

 

H.N

  • Lượt truy cập: 2784754
  • Tháng này: 7627
  • Hôm nay: 1288
  • Đang trực tuyến: 112