Nên chọn mức đóng BHXH phù hợp để hưởng lương hưu cao

10/07/2023 11:31 AM


Ông Nguyễn Văn Thành, phường Phú Trinh (Phan Thiết), đầu năm 2023 ông nghỉ hưu trước tuổi, nhận sổ hưu với mức lương 4,2 triệu đồng.

Công nhân thi công công trình xây dựng dân dụng

Ông nói: “ Khi còn đương chức thu nhập của tôi hàng tháng hơn 15 triệu đồng, nhưng khi về nghỉ hưu thì lương hưu lại thấp”. Có thể: Do đóng mức thấp nên hưởng lương hưu thấp. Hơn nữa, ông Thành là trường hợp nghỉ trước tuổi nên bị trừ phần trăm lương. Thực ra, lúc còn làm việc trong doanh nghiệp xây dựng ông Thành ít quan tâm đến việc đóng BHXH mà tất cả đều do người sử dụng lao động trích nộp theo mức lương của người lao động (NLĐ).

Luật BHXH quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ (bao gồm cả lương và các phụ cấp). Đối với một số khoản phúc lợi (hỗ trợ) NLĐ của đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) có tính chất thường xuyên như: Hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa, tiền nhà… pháp luật hiện hành quy định không dùng làm căn cứ tính đóng BHXH. Song, trên thực tế, có trường hợp “lách Luật” để đóng không đủ BHXH cho NLĐ. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện thì đơn vị SDLĐ mới chấn chỉnh. Được biết, hiện nay tại Bình Thuận hiện có 19.075 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Trong đó, có nhiều trường hợp lương hưu cao (18 triệu đồng), nhưng cũng rất nhiều người lương hưu hàng tháng rất thấp (từ 2-3 triệu đồng).  

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ, BHXH Việt Nam đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo hướng: NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người SDLĐ quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm: Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương…nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ khi nghỉ hưu.

Đối với NLĐ, khi ký hợp đồng lao động, cần chú ý đến thỏa thuận về tiền lương được hưởng, tiền lương đóng BHXH trong hợp đồng và có kiến nghị với đơn vị nếu mức tiền lương đóng BHXH của mình thấp so với tiền lương được hưởng hoặc thấp hơn so với quy định về mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, NLĐ cần thường xuyên theo dõi, tra cứu quá trình đóng, hưởng BHXH của mình qua các kênh (cổng TTĐT BHXH Việt Nam, ứng dụng VssID- BHXH số…) để kịp thời nắm bắt thông tin đóng BHXH của đơn vị SDLĐ.

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiều trường hợp có mức thu nhập khá, nhưng phần lớn người tham gia lựa chọn mức thu nhập tương ứng mức chuẩn hộ nghèo khu vực (trước năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng, từ năm 2022 là 1,5 triệu đồng) để đóng BHXH tự nguyện. Đại đa số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng BHXH đến khi đủ 20 năm để đủ điều kiện về thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu. Do mức đóng BHXH hàng tháng thấp, thời gian đóng ngắn nên mức hưởng lương hưu bình quân của nhóm này thấp. Vì vậy, người tham gia BHXH tự nguyện nên chọn mức đóng phù hợp với nguồn thu nhập thực tế để khi nghỉ hưu có mức lương cao.

Có thể nói, theo quy định hiện nay, nếu người lao động tham gia BHXH đủ 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng 75% lương mỗi tháng. Tỷ lệ hưởng này là khá cao, song thực tế nhiều NLĐ do mức đóng BHXH thấp, có trường hợp chọn mức đóng chưa phù hợp khả năng thu nhập (thu nhập cao), thời gian đóng ngắn… nên khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và gia đình./.                                                          

N.H

  • Lượt truy cập: 2764379
  • Tháng này: 2430
  • Hôm nay: 2428
  • Đang trực tuyến: 1231